Cần làm gì để “con gà đẻ trứng vàng” của Việt Nam bay cao hơn

23/12/2016  
49

Ngành dệt may Việt Nam được xem là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều lợi ích nhất từ các hiệp định thương mại mà chúng ta đã ký kết trong thời gian qua, khi đây luôn là một trong những ngành có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị lớn nhất trong những năm qua và nhất là vẫn còn khá nhiều dư địa để tăng trưởng.

Với việc thuế suất với hàng dệt may Việt Nam ở nhiều hạng mục sẽ được giảm về mức 0% trong các hiệp định thương mại như TPP hay FTA EU-Việt Nam, thì việc lợi thế mà ngành dệt may nhận được là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa những lợi thế này, thì ngành dệt may Việt Nam cần một chính sách hỗ trợ đặc biệt, để đón đầu những lợi thế lớn đó.

Trong thời gian vừa qua, các kênh truyền thông của Việt Nam cũng như thế giới đã nói quá nhiều đến các lợi ích mà lĩnh vực dệt may của chúng ta có thể nhận được thông qua các quy định trong những hiệp định thương mại lớn, như TPP hay FTA EU-Việt Nam, tuy nhiên những quan điểm thực tế về việc làm thế nào để tận dụng được các lợi thế đó thì lại không có nhiều. Một nguyên tắc cơ bản của các hiệp định thương mại là lợi ích chỉ đến với những ai có sự chuẩn bị tốt nhất để tận dụng nó, chứ không phải là sung để cứ há miệng là rơi vào. Trên thực tế, ngành dệt may của Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nội tại cũng như những vấn đề mà các hiệp định thương mại đem lại, mà nếu không được xử lý một cách hiệu quả, thì không những không tận dụng được thời cơ và lợi ích mà còn có thể lâm vào tình trạng bị chèn ép và giảm sút khả năng hoạt động.

Vấn đề nội tại lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện này là tiềm lực yếu. Dù tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2015 lên tới 27,5 tỉ USD thì trên thực tế tiềm lực của các doanh nghiệp dệt may nội địa là rất nhỏ. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thì cũng giống như các ngành khác trong nền kinh tế hiện nay, hiện 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi đó số doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 20% tổng số doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Ngoài ra, trên 70% các doanh nghiệp dệt may nội địa hiện vẫn đang chủ yếu thực hiện giai đoạn gia công vốn có hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Điều này dẫn đến việc phần lớn lợi nhuận trong con số gần 28 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2015 đang rơi vào tay khối FDI. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều có tiềm lực tương đối hạn chế và gặp nhiều khó khăn trong việc đón đầu những lợi ích mà các hiệp định thương mại đem lại, chẳng hạn như mở rộng sản xuất hay nỗ lực để đạt vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, các thách thức mà những quy định trong các hiệp định thương mại đem lại cho ngành dệt may lại đang lớn hơn bao giờ hết. Theo nhận định của các chuyên gia thì vấn đề quy tắc xuất xứ từ sợi và vải của TPP và FTA EU-Việt Nam không chỉ đơn thuần là một bài toán khó cho ngành dệt may, mà còn là một yếu tố có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi và tạo ra sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp dệt may nội địa. Quy định này yêu cầu các sản phẩm dệt may được sản xuất tại Việt Nam phải sử dụng nguyên phụ liệu dệt may có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc từ các nước thành viên TPP khác nếu như muốn nhận được khoản ưu đãi về thuế suất. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, có tới 70-75% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam là nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc. Khả năng sản xuất nguyên phụ liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu của toàn ngành.

Xu hướng của ngành dệt may ở thời điểm hiện tại vì thế đang là tập trung đầu tư vào ngành sản xuất nguyên phụ liệu tại thị trường trong nước để đón đầu các quy định của TPP và FTA EU-Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực đầu tư vào công đoạn này hiện đang chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Hàng loạt dự án dệt may của doanh nghiệp FDI được cấp phép đầu tư trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ dệt may như dệt, nhuộm với số vốn lên đến hàng triệu USD. Chẳng hạn như Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD đến từ Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào sản xuất và gia công các loại sợi.

Theo đánh giá của ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), xu hướng này đang là một sự bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước trong vấn đề đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất hàng dệt may. Vì các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may thì thường có xu hướng tạo nên một chu trình khép kín, trong đó tự sản xuất nguyên phụ liệu cho đến gia công và sản xuất sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam lại không có đủ khả năng về tài chính, kinh nghiệm để thực hiện các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, để đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu theo các quy định của TPP hay FTA EU-Việt Nam. Số doanh nghiệp nội địa có đủ tiềm lực và khả năng tạo ra một chu trình khép kín, trong đó tự cung cấp được nguyên phụ liệu dệt may như Việt Tiến hay Phong Phú là tương đối ít.

Điều này đang dẫn đến nguy cơ phần lớn các doanh nghiệp dệt may trong nước vốn quen với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài và không đủ tiềm lực để tự đảm bảo các nguyên phụ liệu này, có thể gặp những khó khăn lớn sau khi TPP đi vào hoạt động. Khi đó, không những các doanh nghiệp này không nắm được cơ hội mà TPP đem lại cho ngành dệt may, mà thậm chí còn lâm vào cảnh sa sút và trì trệ do các quy định về xuất xứ của TPP giờ đây lại đang trở thành rào cản. Và rõ ràng là chúng ta không thể chờ đợi khối FDI sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may của Việt Nam, để sản xuất và cung cấp nguyên phụ liệu dệt may cho các doanh nghiệp trong nước không có đủ khả năng và tiềm lực để tự mình thực hiện được.

Vấn đề quan trọng và cấp bách nhất đối với ngành dệt may Việt Nam là cần một chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp trong ngành, tương tự như chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ trong thời gian vừa qua của Chính phủ. Cũng tương tự như công nghiệp phụ trợ, thì ngành dệt may cũng đang cần một chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ cho riêng mình. Trong đó các vấn đề quan trọng nhất là hỗ trợ vốn, công nghệ và quản lý.

Nếu như Chính phủ đã cho phép hỗ trợ 70% tài chính cho các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ, thì điều đó cũng cần thiết đối với các dự án công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may, vì hầu hết các doanh nghiệp dệt may cũng không đủ khả năng và tiềm lực để tự thực hiện được các dự án này. Nếu như Việt Nam đã xác định ngành dệt may sẽ là mũi nhọn trong tương lai và là ngành nhận được nhiều lợi thế nhất trong TPP, thì điều cần thiết là phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt để tận dụng tối đa tất cả các lợi thế cho ngành dệt may.

Theo Một Thế Giới

: