Chính phủ cần sự tham gia của toàn dân để phục hồi kinh tế

29/4/2020  
109

Chính phủ cần sự tham gia của toàn dân để phục hồi kinh tế Trong bối cảnh ngân sách có hạn, Chính phủ cần dựa vào sự chung tay hỗ trợ của doanh nghiệp và người dân, đồng thời khuyến khích các hoạt động xã hội hóa mới có thể đạt được mục tiêu dập dịch và hồi phục kinh tế sau dịch. Bố trí đủ nguồn lực để vừa đối phó với dịch COVID-19, vừa thực thi các gói hỗ trợ kích thích kinh tế và duy trì những nguồn lực tăng trưởng dài hạn thực sự là bài toán khó với các nhà điều hành vĩ mô và cơ quan tham mưu chính sách cho Chính phủ. Với mong muốn đóng góp thêm những ý kiến mới, nhằm bảo tồn nguồn lực và đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế Việt Nam sau dịch, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng nghiên cứu khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông đánh giá thế nào về tác động của dịch COVID-19 với kinh tế Việt Nam thời gian qua?

Tô Trung Thành: Tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế có thể có nhiều kênh. Ở kênh trực tiếp là tác động của các hoạt động và chi phí phòng dịch, cũng như chữa trị bệnh trong các ngành liên quan đến y tế. Còn kênh gián tiếp là tác động từ hành vi phản ứng/đối phó của các thành phần kinh tế trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, bao gồm: hành vi của chính phủ (lệnh cách ly, đóng cửa biên giới, hạn chế giao thương, cấm các hoạt động văn hóa thể thao du lịch), hành vi của doanh nghiệp và tổ chức (tự hạn chế các hoạt động sản xuất kinh doanh), hành vi của người tiêu dùng (hạn chế giao tiếp, hạn chế mua bán và du lịch, tự cách ly). Những kênh tác động trên đã tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều chiều và lâu dài lên nền kinh tế. Theo đó, kinh tế sẽ suy giảm nhanh chóng do các kênh trên có tạo tác động khiến cả tổng cung và tổng cầu đều giảm mạnh. Ở tổng cung là hiện tượng các doanh nghiệp suy giảm sản xuất, bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Ở tổng cầu là tình trạng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư sản xuất suy giảm, gía trị xuất khẩu giảm mạnh.

Chính phủ cần sự tham gia của toàn dân để phục hồi kinh tế

PGS.TS Tô Trung Thành. Ảnh: Hoàng Văn.

Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP tính tới cuối năm 2019 đã lên đến 200%, mức cao nhất trong khu vực. Trong bối cảnh đó, khu vực đối ngoại, gồm hai cấu phần xuất nhập khẩu và đầu tư FDI là đầu tầu cho tăng trưởng trong những năm qua đang và sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do diễn biến xấu từ thế giới. Từ đây, có thể dự báo mức độ tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế sẽ bị khuyếch đại thêm nhiều lần.

Ông có thể đưa ra dự báo về kịch bản kinh tế Việt Nam quý II và cả năm 2020 nếu dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn?

PGS.TS Tô Trung Thành: Nếu dịch chỉ kéo dài 2-3 tháng, đa phần doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn có thể chịu đựng được. Có thể một số các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải tạm ngừng hoạt động do không đủ vốn lưu động để bù đắp cho chi phí thuê lao động và thuê mặt bằng kinh doanh. Nhưng các doanh nghiệp quy mô lớn và trường vốn vẫn có thể trả cho người lao động có hợp đồng ở mức lương tối thiểu. Lúc này, đa số người lao động sẽ sử dụng tiền tiết kiệm để chi tiêu thay vì đi tìm việc làm mới. Kết quả, cầu đối với phần còn lại của nền kinh tế chỉ bị ảnh hưởng đôi chút. Song nếu dịch tiếp tục kéo dài thêm 3 tháng, 6 tháng, thậm chí đến hết năm, khả năng nền kinh tế có thể rơi vào thời kỳ suy thoái là rất cao nếu không có những giải pháp đột phá và quyết liệt. Những kênh tác động ở trên đã phân tích sẽ tiếp tục bị xoáy sâu bởi vòng xoáy tổng cung giảm, sản xuất suy giảm, doanh nghiệp không thể trụ vững phải ngưng sản xuất, sa thải lao động, thu nhập người lao động giảm xuống, khiến tổng cầu giảm, tiếp tục làm sản xuất suy giảm...

Vòng xoáy này tiếp tục tạo ra tác động lớn hơn các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có không ít bạn hàng quan trọng của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng suy thoái. Suy thoái trong nền kinh tế thực cũng sẽ gây áp lực lớn đến đến hệ thống tài chính, tiền tệ - xương sống của nền kinh tế, rồi tiếp tục tác động ngược trở lại khu vực kinh tế thực. Về dài hạn, các nguồn lực của nền kinh tế được dành cho ngành y tế cho công tác phòng và chữa bệnh ngày càng gia tăng, trong bối cảnh tổng ngân sách suy giảm do nguồn thu giảm sút mạnh. Theo đó, các nguồn lực cho đầu tư phát triển suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vốn con người cũng bị suy giảm mạnh cho bệnh tật, chất lượng giáo dục suy giảm. Theo đó, tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng.

Hiện dịch tại Trung Quốc chưa được kiểm soát hoàn toàn, điều này sẽ tác động ra sao tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

PGS.TS Tô Trung Thành: Trong ấn phẩm thường niên của trường Đại học Kinh tế quốc dân “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019”, nhóm nghiên cứu chúng tôi đưa ra một số kịch bản tác động của riêng việc hạn chế giao thương với Trung Quốc đến kinh tế Việt Nam. Nếu tổng hòa kịch bản xuất nhập khẩu tiểu ngạch với Trung Quốc giảm 30%, thiệt hại doanh thu du lịch 5,9 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc cho sản xuất giảm 5% thì GDP dự báo có thể giảm 0,6%. Trong kịch bản tổng hòa các yếu tố, nếu thiệt hại doanh thu du lịch nặng nề hơn (7,79 tỷ USD) thì GDP dự báo sẽ giảm 0,8%. Còn nếu tính cả ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì GDP có thể giảm sâu hơn. Theo số liệu ước tính ảnh hưởng của thời tiết khiến nhóm ngành nông lâm, thuỷ sản giảm khoảng 1%, tính toán từ bảng cân đối liên ngành liên vùng giữa ĐBSCL và phần còn lại của Việt Nam cho thấy GDP cả nước giảm khoảng 0,1%. Kết hợp hai yếu tố trên có thể kéo giảm GDP cả nước 0,7% - 0,9%. Nếu tính cả tác động của COVID-19 hiện đã lan rộng ra các khu vực khác của thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu chắc chắn nền kinh tế còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều.

Ông có khuyến nghị chính sách gì để đối phó với tác động của dịch bệnh?

PGS.TS Tô Trung Thành: Dịch COVID-9 có thể sẽ còn kéo dài thêm 6-7 tháng nữa hoặc hơn nữa. Chính phủ cần có những giải pháp để giúp nền kinh tế phục hồi. Song trước khi áp dụng những giải pháp đó, Chính phủ vẫn cần ưu tiên nguồn lực nhằm ngăn ngừa, phát hiện, cách ly và dập dịch để đảm bảo dịch không được lây lan trên diện rộng. Sau khi dịch đã được kiểm soát, bảo đảm cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh diễn ra một cách an toàn, Chính phủ có thể nghiên cứu, áp dụng một số chính sách sau. Thứ nhất, không nên lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước chủ yếu đảm bảo và hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại để giúp các NHTM có thể hỗ trợ về điều kiện tín dụng, giảm lãi suất, hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ.... cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì đại dịch, đặc biệt là các DN tư nhân và DN vừa và nhỏ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giă tăng được tính thanh khoản – điểm mấu chốt giúp các doanh nghiệp trụ lại được trong giai đoạn khó khăn này. Cần lưu ý, Chính phủ hỗ trợ và khuyến khích các TCTD chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chứ không nên là chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ lãi suất quy mô lớn như năm 2009. Việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng mới có thể có rủi ro về lạm phát. Cần kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn.

Chính phủ cần sự tham gia của toàn dân để phục hồi kinh tế

PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng Chính phủ cần sự tham gia của toàn dân phục hồi kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh/Zing

Thứ hai, thay vì tập trung vào chính sách tiền tệ, chính phủ cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa chủ động, giúp cho các doanh nghiệp giảm được các gánh nặng chi phí, từ đó chống đỡ tốt hơn trong đại dịch. Nên tập trung áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế phí, phí; giãn thuế VAT, thuế TNDN, BHXH cho các DN phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do dịch COVID-19. Hiện nay các chi phí liên quan đến lương như BHXH đang là một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp, nên không những giãn đóng BHXH mà cần cân nhắc để miễn hoặc giảm đóng BHXH cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Chính phủ cũng cần có những cải cách chính sách thuế theo hướng giảm mạnh suất thuế TNDN cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh các nguồn lực tư nhân và FDI đều bị giảm sút do dịch COVID-19, thì vai trò vốn từ ngân sách Nhà nước trở nên quan trọng và cần được tăng cường. Thứ ba, để duy trì được tổng cầu của nền kinh tế, không để suy giảm mạnh và xoáy sâu vào suy thoái, Chính phủ phải chủ động củng cố và gia tăng chi tiêu cho an sinh xã hội; tăng trợ cấp thất nghiệp, kéo dài thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp, và giải quyết các thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng; giảm thuế cho nhóm thu nhập thấp; nâng mức khởi điểm thuế thu nhập cá nhân; hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương (lao động trình độ thấp, lao động khu vực phi chính thức, khu vực doanh nghiệp nhở và vừa,...) Thứ tư, với nguồn lực ngân sách hạn hẹp hiện nay, để có đủ nguồn lực vừa để đối phó với dịch bệnh COVID-19, vừa phải thực thi các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, vừa phải duy trì những nguồn lực tăng trưởng dài hạn, Chính phủ cần dựa vào sự tham gia của toàn dân chứ không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Chính phủ. Vì vậy, khuyến khích các hoạt động xã hội hóa, đóng góp của doanh nghiệp và người dân chung tay chi phí cho dịch bệnh là rất cần thiết hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Nhàđầutư

: