Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020

5/8/2020  
107

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020 Ngày 03/8/2020, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, kế hoạch năm 2020 đề ra Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, trong đó, đẩy mạnh triển khai, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, kế hoạch năm 2020 đề ra. Sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời trong tháng 7 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số ngành, lĩnh vực đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là phát triển thị trường trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công tác giải ngân vốn đầu tư công …

Về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng tăng 0,4% so với tháng 6, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài. CPI bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng kể từ đầu năm, tính chung 7 tháng, tăng 4,07% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán năm, thấp hơn 13,1% so với cùng kỳ. Chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng dự toán và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 855,5 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Về đầu tư phát triển, do tác động của đại dịch trong năm 2020, dự báo dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu suy giảm tới 40%, tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2020 của Việt Nam tăng mạnh so với tháng 6/2020 và so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài tháng 7 tăng mạnh, tăng 76,2% so tháng 6 và tăng 79,8% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng ước đạt 18,8 tỷ USD, bằng 93,1% cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt 10,12 tỷ USD, bằng 95,9%. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tiến độ giải ngân vốn NSNN 7 tháng cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm 2019, tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng 6/2020. Trong tháng, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả kế hoạch năm 2020.

Để đạt được kết quả này, một phần là do hành lang pháp lý về đầu tư công đã được đổi mới toàn diện thể hiện trong công tác giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN nhưng chủ yếu là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020 của tất cả các cấp, các ngành. Về tình hình sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do nắng nóng gay gắt tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa. Tái đàn lợn tiếp tục được đẩy mạnh, chăn nuôi gia cầm và bò phát triển tốt. Lâm nghiệp tập trung vào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng, sản lượng khai thác gỗ 7 tháng tăng 1,7%. Sản xuất thủy sản phục hồi nhưng vẫn gặp khó khăn về xuất khẩu, sản lượng thủy sản 7 tháng tăng 1,6% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.

Trong tháng 6, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tích cực (tăng 7,2% so cùng kỳ), mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng cao trở lại. Tuy nhiên, do phải tiếp tục đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,6% so với tháng 6/2020 và 1,1% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng thấp, khoảng 2,6%. Khu vực dịch vụ trong tháng tăng khá, đặc biệt là du lịch nội địa, vận tải. Hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng sôi động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng bằng 99,6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 3,6% nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường cùng các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm khôi phục lại nền kinh tế, giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh trên thế giới.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 139,3 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất siêu 6,5 tỷ USD. Tình hình phát triển doanh nghiệp trong tháng tiếp tục được cải thiện, các doanh nghiệp đã bắt đầu thích nghi với tình hình mới và quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2019 và 4,8% so với tháng 6/2020, thể hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tính chung 7 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 5,1% về số doanh nghiệp và giảm 15,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng 41,5%...

Nỗ lực phấn đấu hơn nữa để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” Trong 7 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, toàn diện hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành hợp lý, đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn để lại dư địa chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Các chính sách về huy động vốn đầu tư toàn xã hội gồm giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước, xuất nhập khẩu… được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế và là động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới. An sinh xã hội được bảo đảm, ổn định an ninh trật tự, đời sống của Nhân dân.

Đặc biệt, các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đồng bộ giúp tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Theo Báo cáo, từ cuối tháng 7, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại. Việt Nam chính thức ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 25/7 sau 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các bộ, ngành trung ương và địa phương đã lập tức quyết liệt triển khai ngay những giải pháp mạnh nhằm phòng, chống, không để dịch bệnh lan rộng. Trước bối cảnh tình hình bất định, khó dự đoán, trong thời gian tới đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa của toàn hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Báo cáo đưa ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm như về phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư… để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý Nhân dân. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, xử lý triệt để bên trong cho đến khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo về dịch Covid-19; không được chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm và đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm, quyết liệt truy vết và cách ly nhanh; bảo đảm cung cấp đủ các hàng hoá thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng tích trữ hàng hoá lương thực, thực phẩm.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản số 4403/BKHĐT-TH ngày 09/7/2020, 4767/BKHĐT-TH ngày 23/7/2020 đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo tình hình phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho dự án đến ngày 30/6/2020 và đến ngày 31/7/2020, dự kiến giải ngân đến ngày 30/9/2020.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng thời gian quy định. Về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo nêu rõ, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2020 là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, một số chính sách, giải pháp đề ra tại các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã hoặc sắp hết thời hạn thực hiện trong khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương hiện nay đã phải tiến hành các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội do dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 211/LĐCP ngày 17/7/2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có văn bản số 4762/BKHĐT-TH ngày 23/7/2020 đề nghị các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Đề nghị các bộ, cơ quan nêu trên khẩn trương gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng các nội dung yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, phối hợp các bộ, cơ quan, tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và chuẩn bị cho năm 2021.

Bên cạnh đó, căn cứ theo tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội Để phục vụ chỉ đạo, điều hành của địa phương đạt kết quả tăng trưởng tốt nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, cập nhật số liệu 6 tháng và ước tính GRDP quý III, quý IV; giao Tổng cục Thống kê, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm đầu mối tổng hợp công bố số liệu GRDP địa phương cập nhật trước ngày 31/8. Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Tạo động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không và cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở thành phố Đà Nẵng. Thủ tướng cho biết, ngay sau khi dịch xảy ra, Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp chỉ đạo công tác chống dịch trên tinh thần “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”. Đồng thời nhấn mạnh, dịch lần 2 phức tạp, chúng ta tiếp tục coi “chống dịch như chống giặc”. Mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.

Chúng ta đã tăng cường lực lượng cần thiết cho thành phố Đà Nẵng với hàng nghìn cán bộ y tế từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các địa phương có dịch đã có các biện pháp cương quyết để ngăn ngừa dịch. Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ, biểu dương các chiến sĩ áo trắng, nhiều địa phương có các biện pháp sáng tạo. Bên cạnh đó, với chủ trương lớn là không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và cho biết, đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến cũng như làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tiền Giang, các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông động lực tăng trưởng.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo kết quả về các vấn đề nêu trên khi mà lần đầu tiên sau hàng chục năm chúng ta có khối lượng giải ngân vốn đầu tư tăng kỷ lục trong tháng 7 qua. Bên cạnh giải ngân đầu tư công, tháng 7 là tháng đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 3 rủi ro, thách thức hiện nay, trong đó rủi ro lớn nhất vẫn là dịch Covid-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước và thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng. Về đầu tư công,

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu giải ngân hết 630 nghìn tỷ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ. Đồng thời đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Chủ tịch các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp. Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử, vừa tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế, giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp./. Nguồn: Cổng TTĐT Bộ KH&ĐT

: