Chờ dòng vốn lớn từ Mỹ, Anh…

24/12/2016  
47

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại New York (Mỹ) với chủ đề “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn” vừa được Việt Nam tổ chức hồi tháng 7 vừa qua, đã có tới 160 quỹ đầu tư , ngân hàng, các định chế tài chính,.. quy mô hàng đầu nước Mỹ và cả thế giới tham gia. Chương trình thảo luận về cơ hội đầu tư tại Việt Nam đã chật kín chỗ ngồi với hàng trăm nhà đầu tư tham gia, đây rõ ràng cho thấy, Việt Nam không hề kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ Mỹ.

Đặc biệt, tại hội nghị quan trọng này, việc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam còn thu hút được cả sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đặc biệt cả các tỷ phú, cho thấy triển vọng lớn cho hoạt động thu hút FDI của Việt Nam trong tương lai.

Trong bảng xếp hạng dự án đầu tư mới (GI-dự án chưa hề được đầu tư xây dựng trước đây) bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa được FDI Intelligence công bố mới đây, Việt Nam đứng đầu thế giới và bỏ xa so với các thị trường mới nổi khác.

Theo đó, Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng các dự án FDI đầu tư mới với 8,14 điểm, bỏ xa 2 quốc gia có vị trí tiếp theo sau là Romania và Hungary cũng như các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia và Thái Lan.

Đặc biệt, theo tiêu chí của bảng xếp hạng này, mức điểm 1 cho thấy sự cân bằng giữa tỷ lệ dự án FDI đầu tư mới với GDP của quốc gia đó. Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đạt số điểm rất cao 8,14 chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các dự án FDI đầu tư mới đang cao hơn gấp 8 lần những dự đoán dựa trên quy mô của nền kinh tế.

Chỉ tính riêng năm 2014, Việt Nam đã thu hút tới 100 dự án FDI mới, mức cao nhất trong số các quốc gia phát triển và nhóm các nền kinh tế mới nổi. Lũy kế từ 2003 – 2014, Việt Nam đã thu hút được hơn 2.000 dự án FDI đầu tư mới. Gần một nửa trong số các dự án FDI của Việt Nam được đầu tư vào ngành sản xuất do lợi thế nhân lực dồi dào và chi phí rẻ. Năm 2014, FDI Markets đã xem xét 71 quốc gia, trong đó mỗi quốc gia phải nhận được ít nhất là 25 dự án FDI đầu tư mới.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), 6 tháng đầu năm 2015, các nhà đầu tư Anh đầu tư vào Việt Nam 10 dự án (kể cả dự án mới và tăng vốn) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 36 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 20/6/2015, Anh có 206 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 3,195 tỷ USD, đứng thứ 16/103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư có đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, các công ty Anh thuộc British Virgin Island đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 15 tỷ USD.

Như vậy, nếu không tính khoản đầu tư từ các nhà đầu tư thuộc British Virgin Island thì tổng vốn đầu tư FDI từ Anh vào Việt Nam mới chỉ hơn 3 tỷ USD là kết quả còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng của 2 bên. Hiện tại, nhiều tên tuổi lớn từ Anh như: BP, BHP Billiton, Rolls-Royce, Vodafone, vận tải P&O, GlaxoSmithKline, HSBC, Standard Chartered, Prudential… cũng đã có các khoản đầu tư tại Việt Nam, tuy rằng các khoản đầu tư này chưa thực sự lớn như mong đợi. Tính đến thời điểm này, số dự án có quy mô lớn trên 100 triệu USD của các nhà đầu tư từ Anh không nhiều. Đáng kể nhất phải kể đến là dự án của CTCP Thành phố Aqua tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư đăng ký 518,75 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 22/4/2008; Hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí lô 06-2 của Tập đoàn BP, ONGC, Statoil với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ tháng 12/2000, với vốn đăng ký là 507 triệu USD. Dự án của nhà đầu tư Pilkington Group Ltd (PGL), tổng vốn đầu tư đăng ký 323 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2011. Dự án Sản xuất methanol của Vietnam Gas Conversion System Inc với số vốn đăng ký 270,27 triệu USD; Hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí Lô 05-2 của Tập đoàn BP và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có số vốn cam kết tối thiểu là 103 triệu USD…

Các số liệu thống kê trên cho thấy, chiếm số lượng lớn vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam là vào các dự án dầu khí. Trong khi đó, Anh là một quốc gia có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong các ngành công nghiệp khác.

Từ tháng 9/2010 vừa qua, Việt Nam và Anh đã nâng tầm quan hệ giữa 2 nước lên thành Đối tác chiến lược, tuy nhiên, dòng vốn FDI từ Anh vào Việt Nam vẫn chưa được khai thông trên diện rộng là một bài toán cần có lời giải.

Một động thái mới cho thấy nhiều tín hiệu tốt về đầu tư cho Việt Nam, cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland ông David Cameron cùng nhiều doanh nhân, doanh nghiệp lớn đã có chuyến thăm Việt Nam kéo dài 2 ngày (vào ngày 29 và 30/7).

Các chương trình nghị sự đều cho thấy, Thủ tướng Anh đánh giá rất cao tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á trong việc đẩy mạnh quan hệ thương mại đặc biệt là xuất khẩu nhằm giúp Anh đạt mục tiêu nâng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu lên 1.000 tỷ bảng vào năm 2020.

Với tiến trình ký kết các hiệp định thương mại quan trọng trong đó có FTA với EU, cơ hội để nâng chất dòng vốn FDI cho Việt Nam trong tương lai khi đón nhận dòng vốn đầu tư có chất lượng cao từ các thị trường như Mỹ, EU là có cơ sở.

Thêm 8,5 tỷ USD vốn FDI được giải ngân

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung trong 8 tháng qua của năm 2015, tổng vốn đăng ký của 1.219 dự án FDI được cấp mới và 389 dự án tăng thêm vốn là 13,33 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014; và trong thời gian này, các dự án FDI cũng đã giải ngân được 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% với cùng kỳ năm 2014.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong 8 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 634 dự án đầu tư đăng ký mới và 290 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,35 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực Bán buôn bán lẻ sửa chữa với 157 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 311,08 triệu USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào vào 49 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,33 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,42 tỷ USD, chiếm 18,2%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,13 tỷ USD, chiếm 8,5%.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 8 tháng năm 2015 đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu đạt 65,22 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 59,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2015, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 9,38 tỷ USD.

Theo Tạp chí Nhà Đầu Tư số 84-Tháng 7-8/2015

: