Trong 12 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra, cái đầu tiên có lẽ là cải cách thể chế, rất quan trọng, vì sẽ tạo nền tảng cho mọi hoạt động, để thực hiện các giải pháp còn lại.
Phương án nào để vừa phòng chống COVID -19 hiệu quả, vừa nhanh chóng ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế theo mục tiêu đề ra trong báo cáo của Chính phủ là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm ngay bên lề phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu đánh giá cao nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt mà Chính phủ thực hiện trong thời gian qua, song cũng bày tỏ quan tâm về những phương án mà Chính phủ sẽ áp dụng trước diễn biến của dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân. Đặc biệt, khi Việt Nam đã chuyển tư duy, quan điểm trong phòng, chống dịch từ chống dịch theo “Zero COVID” thành thích ứng linh hoạt, an toàn, thì những tồn tại, hạn chế trong phòng chống dịch thời gian qua sẽ được giải quyết như thế nào?
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn TP. Hà Nội cho rằng, đợt dịch thứ 4 này là một thử thách chưa từng có đối với Việt Nam và rất nhiều khó khăn nảy sinh trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, việc vừa phòng chống dịch, vừa rút kinh nghiệm để xây dựng được một chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tốt hơn trong thời gian hậu COVID-19 là rất quan trọng:
"Việc thích ứng linh hoạt với COVID- đây chắc chắn là giải pháp mà chúng ta nên theo. Đầu tiên vẫn phải có sự an toàn, an toàn trong tất cả các khâu, từ câu chuyện là sức khỏe của người dân, đến an toàn trong sản xuất, an toàn trong việc đi du lịch, hay là an toàn ở bất kỳ một lĩnh vực nào- yếu tố toàn phải đặt lên hàng đầu. Sau đó thì kết hợp linh hoạt với việc duy trì những yếu tố khác trong đời sống xã hội. Khi chúng ta duy trì được các yếu tố khác trong đời sống xã hội thì lúc đó sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Đó phải là một giải pháp mang tính bền vững và mang tính lâu dài để chúng ta đối phó với dịch bệnh COVID", ông Sơn chia sẻ.
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn Nam Định, khi Chính phủ có bước chuyển lớn trong tư duy, quan điểm chống dịch thì cũng cần xác định phương án mới về phục hồi kinh tế:
"Tôi rất quan tâm đến phương án mới của Chính phủ trong phục hồi kinh tế, giữ được tăng trưởng có chất lượng gắn với vấn đề huy động lực lượng lao động trở lại nơi làm việc, trong tình trạng thích ứng với dịch nhưng phải linh hoạt. Chính phủ giúp các địa phương những thông tin cần thiết từ ngành y tế có tính chất chỉ dẫn chung. Các địa phương phải sáng kiến, linh hoạt hơn, chống dịch nhưng phải linh hoạt chứ nếu cực đoan, cát cứ thì không thể giải quyết được những vấn đề mới đang đòi hỏi chúng ta", Đại biểu Vũ Trọng Kim cho hay.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình cho rằng, phục hồi phát triển kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Phục hồi phát triển kinh tế không phải trên con đường cũ mà phải trên con đường mới theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế năng động, phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Trong bối cảnh các kịch bản phát triển kinh tế rất khó đoán định trước các yếu tố bất định, giải pháp mấu chốt cần lưu tâm hiện nay đó là:
"Trong 12 nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra, cái đầu tiên có lẽ là cải cách thể chế, rất quan trọng, vì sẽ tạo nền tảng cho mọi hoạt động, để thực hiện các giải pháp còn lại. Có hai nhóm thể chế là môi trường kinh doanh phải cải cách thực sự mạnh mẽ và nhanh chóng trước những đòi hỏi hiện nay; thể chế thứ 2 là thể chế cho việc điều hành hoạt động của Nhà nước, của Chính phủ nói chung, liên quan đến năng lực và tính thích ứng của Nhà nước và Chính phủ. Đòi hỏi hiện nay thì các quyết định phải được đưa ra nhanh, yêu cầu chất lượng cao, toàn diện, tính thích ứng cao", Đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ.
(Theo VOV)