Theo tài liệu của Sở giao dịch chứng khoán Malaysia, TNB cho biết thương vụ mua lại 5 dự án điện mặt trời tại Việt Nam là nhằm mở rộng sự hợp tác của tập đoàn với Sunseap. Sunseap hiện nắm giữ 90% cổ phần trong năm dự án. Sau khi hoàn tất thương vụ vào quý I năm nay, Sunseap sẽ chỉ còn sở hữu 51% trong khi Sun Times Energy JSC, một cổ đông khác, sẽ tiếp tục nắm giữ 10% vốn chủ sở hữu. Frank Phuan, Giám đốc điều hành của Sunseap cho biết: "Giao dịch này đánh dấu sự khởi đầu của quan hệ đối tác với TNB, mở đường cho mối liên kết lâu dài giữa Sunseap và công ty hàng đầu của Malaysia. Ngoài ra, nó còn là một động lực thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời trong khu vực".
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của TNB Datuk Ir. Baharin bin Din cho biết thương vụ mua lại này sẽ là tiền đề cho TNB thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam cũng như mở rộng sang thị trường năng lượng tái tạo và tiện ích đang phát triển nhanh chóng tại đây. Trước đó, vào tuần qua, Sunseap và Tenaga đã công bố kế hoạch thành lập liên doanh để tham gia đấu thầu một cuộc thử nghiệm kéo dài hai năm của chính phủ Singapore với mục đích nhập khẩu điện từ Malaysia. Sunseap là một trong những công ty năng lượng mặt trời trên mái nhà hàng đầu ở Đông Nam Á và là công ty năng lượng mặt trời lớn nhất ở Singapore. Sunseap hiện sở hữu nhiều dự án ở Singapore, Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Campuchia.
Sunseap có công suất ròng 1,2 GW trên 11 thị trường và hơn 200 tài sản trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Năm ngoái, công ty đầu tư Temasek Holdings của Singapore và ABC World Asia - một quỹ đầu tư PE tập trung vào khu vực châu Á, đã đầu tư 50 triệu SGD (36,8 triệu USD) vào Sunseap. Năm 2019, công ty này đã hoàn thành dự án trang trại năng lượng mặt trời tại Việt Nam trị giá 150 triệu USD - một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước. Trong khi đó, TNB đã có mặt tại Anh, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Pakistan, Ấn Độ và Indonesia. TNB đặt mục tiêu công suất phát điện năng lượng tái tạo là 8,3 GW vào năm 2025.