Đầu tư nước ngoài: Điều chỉnh dòng vốn

24/12/2016  
37

Khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức xuất khẩu trung bình.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình và kết quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua đáp ứng hầu hết các mục tiêu mà Việt Nam đặt ra với khu vực kinh tế này. Bên cạnh đó, thời gian cũng đủ để đúc rút những bài học.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, từ đó cần có đối sách, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo yêu cầu cao hơn, phù hợp với trình độ phát triển mới cũng như khả năng tiếp nhận vốn đầu tư.

Từ đó, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương đã đồng nhất quan điểm thay đổi cách nhìn, cách "chấm" dự án đầu tư nước ngoài. Đó là từ chỗ chủ yếu "nghiêng" số lượng, không yêu cầu cao về công nghệ, bảo vệ môi trường, các chỉ số về tiêu hao năng lượng, diện tích triển khai dự án… sang tiêu chí "vì chất lượng".

Điều đó cho phép chính quyền địa phương nâng tầm, hướng tới những dự án theo tiêu chí ưu tiên hàng đầu là hiện đại, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu; tiêu hao ít năng lượng...

Từ định hướng như vậy, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ khu vực đầu tư nước ngoài, hướng dòng vốn này "chảy" vào các lĩnh vực cần thiết và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Đương nhiên, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn luôn đảm nhận vai trò là kênh cấp vốn cho nền kinh tế, trực tiếp tham gia vào việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng phù hợp với yêu cầu cũng như mức độ phát triển trong suốt quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, để nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã, đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh, các hướng dẫn để cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Chính phủ ghi nhận sự quan tâm của một số nhà đầu tư tham gia vào các dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như: Cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ... và nhu cầu về vốn với các hạng mục này (khoảng 20-30 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020) với hàng chục dự án lớn. Đây sẽ là danh mục hấp dẫn, có thể tiến tới đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, là hình thức mới, thông thoáng và được khuyến khích trong tương lai.

Chính phủ cũng chủ động hơn trong việc mời gọi các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhằm từng bước tăng tốc độ hình thành chuỗi cơ sở sản xuất các loại linh kiện, chi tiết để cung cấp cho các nhà máy lắp ráp thành phẩm.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tập trung "gọi" một số tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia (TNC) - vốn có thế mạnh vượt trội về công nghệ và vốn, tham gia những dự án có tầm quan trọng, có sức lan tỏa rộng ở cấp vùng, khu vực để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các địa bàn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại, việc "gọi" các TNC có ý nghĩa to lớn và lâu dài đối với nền kinh tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh nhờ thu hút được các TNC. Ở Việt Nam, từ khi Tập đoàn Samsung đầu tư, sản xuất điện thoại di động đã tạo ra hàng vạn việc làm và kim ngạch xuất khẩu hơn 20 tỷ USD/năm.

Mặt khác, DN "nội" sẽ tìm thấy động lực để phấn đấu đủ năng lực trở thành nhà cung cấp linh kiện cho DN đầu tư nước ngoài thay vì phải nhập khẩu từ nước thứ ba, gây lãng phí. Vì vậy, lợi ích sẽ tăng và DN "nội" sẽ có thêm cơ hội tiếp nhận ứng dụng công nghệ mới và thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao và muốn chọn Việt Nam là địa bàn triển khai dự án bởi sự ổn định về chính trị và vị trí địa lý chiến lược thuận tiện cho việc sản xuất, xuất khẩu.

Hiện tại giới chuyên gia khuyến nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản pháp quy nhằm điều chỉnh và quản lý thống nhất hoạt động xúc tiến đầu tư trên cả nước. Đồng thời xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư và cân nhắc việc thiết lập cơ quan điều phối tổng thể các hoạt động xúc tiến cấp quốc gia...

Theo Báo Hà Nội Mới

: