Để ĐTRNN có hiệu quả hơn cho nhà đầu tư, đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cần có định hướng mới để hướng dẫn nhà đầu tư thích ứng với điều kiện từng nước và mối quan hệ giữa các nước với Việt Nam.
I.Quá trình phát triển Doanh nghiệp nước ta đã đầu tư ra một vài nước láng giềng từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước một số dự án quy mô nhỏ; càng về sau số lượng và quy mô dự án càng tăng:
Năm 2017, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 350 triệu USD. 8 tháng của năm 2018 có 93 dự án với 271,46 triệu USD vốn đăng ký, 22 lượt dự án điều chỉnh với 42 triệu USD vốn tăng thêm là 313,46 triệu USD. Luỹ kế đến cuối tháng 8/2018 Việt Nam đã ĐTRNN 22,333 tỷ USD. Đến cuối năm 2017 vốn đã chuyển ra nước ngoài khoảng 7,51 tỷ USD, lao động làm việc ở nước ngoài là 5.031 người, số tiền đã chuyển về nước là 1,8 tỷ USD, bao gồm lợi nhuận 966,9 triệu USD, vốn 841,1 triệu USD. Lợi nhuận lũy kế để tái đầu tư 249,5 triệu USD. 7 doanh nghiệp ĐTRNN trên 1 tỷ USD là PVN, Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Golf Long Thành và True Milk. Thành công nhất trong hoạt động ĐTRNN là Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel, đã đầu tư tại 10 quốc gia ở 3 châu lục. Năm 2017 Viettel Global có doanh thu 19.023 tỷ đồng, tăng 24%, trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 2.978 tỷ đồng, tăng 7 lần năm 2016; năm 2018 dự kiến doanh thu 30.000 tỷ đồng (1,393 tỷ USD), tăng gần 58% so với năm 2017. Viettel Global là công ty Việt Nam duy nhất có doanh thu từ nước ngoài vượt 1 tỷ USD. Từ khi ĐTRNN đến hết năm tài chính 2017, số tiền lũy kế mà Viettel chuyển nước là 1,3 tỷ USD. Viettel Global giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/10 thị trường quốc tế. Nhờ việc mở rộng ĐTRNN và giữ thị phần cao ở Việt Nam, Viettel đã lọt vào danh sách 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất thế giới. FPT đã bắt đầu ĐTRNN từ năm 1998, sau nhiều thất bại, hiện đang hoạt động ở 21 quốc gia trên thế giới (riêng lĩnh vực phần mềm là 12 nước). Năm 2016, doanh thu tại thị trường nước ngoài của FPT đạt 2.863 tỷ đồng (130 triệu USD), tăng 52% so với năm 2015, chiếm 46,8% doanh thu toàn cầu của tập đoàn; trên 5.000 người làm việc cho thị trường Nhật Bản (trong đó 760 người tại 4 văn phòng của FPT ở Nhật Bản), chiếm hơn 50% nhân lực trong lĩnh vực phần mềm của tập đoàn. Hiện FPT Nhật Bản đang cung cấp dịch vụ cho gần 300 khách hàng, trong đó có 30 tập đoàn nằm trong Fortune Global 500. Dự kiến năm 2020, doanh thu tại Nhật Bản đóng góp 50% tổng doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài của FPT. FPT có văn phòng tại 6 thành phố lớn của Mỹ (New York, Seattle, Chicago, Los Angeles, Dallas và Sunnyvale) với trên 150 nhân viên đến từ 15 quốc gia, bắt đầu tham gia vào những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, cung cấp dịch vụ CNTT cho hơn 20 khách hàng là các tập đoàn hàng đầu của Mỹ; năm 2016, doanh thu đạt 1.003 tỷ đồng, năm 2017 đạt 1.300 tỷ đồng. Những thành công của doanh nghiệp Việt Nam ĐTRNN chứng minh năng lực kinh doanh, tính thích nghi với môi trường đầu tư ở các nước khác nhau, tạo tiền đề để hội nhập sâu rộng và có hiệu quả hơn với các quốc gia trên thế giới.
II.Những bài học bổ ích Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) ĐTRNN nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD, đã chứng tỏ được năng lực quản trị, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực, đã thu được một số thành quả. Tuy vậy PVN cũng đã tổn thất nặng nề khi đầu tư tại Venezuela. Tháng 6/2010 tại thủ đô Caracas của Venezuela, công ty con của PVN là TCT thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và TCT dầu khí Venezuela đã ký kết “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” với vốn đầu tư 12,4 tỉ USD để khai thác 1.400 tỉ thùng. PVN góp 40% vốn điều lệ, dự kiến hàng năm thu được 4 triệu tấn dầu, hoàn vốn sau 7 năm. Phần vốn PVN phải đóng cộng “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD là 1,825 tỉ USD. Đúng như khuyến cáo của nhiều chuyên gia và lãnh đạo một số bộ nhưng lãnh đạo PVN đã bỏ ngoài tai; "siêu dự án" chỉ nằm trên giấy. PVN đã chuyển cho Tổng công ty dầu khí Venezuela 532 triệu USD gồm 442 triệu USD tiền "bonus" và 90 triệu USD tiền góp vốn. Tháng 4/2013, ban lãnh đạo của PVN đã quyết định chấp nhận mất trắng số tiền này, bỏ dự án để "cứu" khoản tiền phải nộp phạt vi phạm hợp đồng 142 triệu USD cho dù chưa thu được giọt dầu nào. Bài học đắt giá của PVN về ĐTRNN đáng đưa vào sách giáo khoa để các thế hệ người Việt Nam đừng bao giờ đi theo vết xe đổ của tập đoàn này. Đầu tư tại quốc gia nào thì phải tìm hiểu kỹ càng tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô, thể chế, luật pháp và thực thi pháp luật, nền văn hóa và tập quán dân cư. Đầu tư vào dự án như dầu khí thì phải thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau, đánh giá khách quan trử lượng, điều kiện khai thác, tỷ suất lợi nhuận, quy định về ngoại hối, bao gồm chuyển vốn và lợi nhuận về nước. Câu chuyện của PVN còn có liên quan đến vai trò và trách nhiệm của các bộ theo giõi, giám sát hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Tổn thất khá lớn, bài học đắt giá, nếu chỉ để “rút kinh nghiệm” thì khó loại trừ được trong tương lai. Thành công của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ở một quốc gia trước hết là chiến lược đầu tư và kinh doanh, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu điều kiện tự nhiên, xã hội của từng nước, đối thủ và đối tác, lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp với năng lực vốn và công nghệ của doanh nghiệp, thiết lập quan hệ tin cậy với nhà chức trách, nhất là các địa phương, đem lại lợi ích thiết thực và đóng góp vào sự thay đổi cuộc sống của người dân. Viettel đầu tư khi thị trường viễn thông quốc tế đã được phân chia bởi các tập đoàn kinh tế khổng lồ, nhưng vẩn thành công ở 10 nước nhờ vào chiến lược đúng dắn, đầu tư để đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng, giá rẻ nhưng chất lượng tốt, dịch vụ cao; đồng thời quan tâm đến hoạt động xã hội để hổ trợ những người kém may mắn. FPT kiên trì vượt qua thất bại để đứng vững và phát triển trên hai thị trường hàng đầu thế giới về công nghệ là Nhật Bản và Mỹ với các bước đi khôn khéo và vững chắc; đã tạo lập được chổ đứng và các mối quan hệ với sự tín nhiệm ngày càng tăng nhờ chất lượng nguồn nhân lực và các công trình nghiên cứu tạo ra dịch vụ tốt với chi phí hợp lý. Cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, doanh nghiệp nước ta đầu tư tại các quốc gia khác phải coi trọng xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiên đầy đủ chế độ tiền lượng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và sinh hoạt cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước. Đây là những bài học không bao giờ mất ý nghĩa thời sự nếu muồn chứng minh doanh nghiệp Việt Nam không chỉ vì lợi nhuận mà còn có ý thức tham gia vào các hoạt động xã hội vì lợi ích cộng đồng; làm cho người dân các nước nhận thấy sự khác biệt của người Việt Nam so với một số quốc gia khác trong hoạt động đầu tư và kinh doanh tại nước đó..
III. Định hướng mới Khi có nhiều tập đoàn lớn đủ sức vươn ra thị trường thế giới thì cùng với tiếp tục thu hút có chất lượng và hiệu quả hơn vốn ĐTNN, sẽ gia tăng dự án và vốn ĐTRNN; do đó cần đề ra định hướng mới để chỉ dẫn các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. ĐTRNN có nghĩa là chuyển vốn và chuyển việc làm từ trong nước sang nước khác, do đó chỉ được coi là thành công nếu dự án đầu tư không những có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với cùng ngành nghề trong nước; mà sau một thời gian kinh doanh lợi nhuân được chuyển về nước góp phần tăng vốn đầu tư xã hội, tạo việc làm mới, tăng trưởng kinh tế. Quan trong nhất đối với nhà đầu tư là thực thi tốt nhất quyền lựa chọn dự án và nước nhận đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm việc tìm hiểu thông tin từ nhiều nước đối với mỗi loại dự án để so sánh kết quả với chi phí, tính đúng hiệu quả kinh tế từ đó đưa ra quyết định đầu tư. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã thuê các công ty tư vấn về kinh tế, luật pháp để cung cấp thông tin và khuyến nghị trước khi đưa ra quyết định đầu tư; đó là kinh nghiệm tốt cần được doanh nghiệp Việt Nam lưu ý. Doanh nghiệp nhà nước khi ĐTRNN phải tuân thủ luật pháp về đầu tư công, nhất là phải bảo đảm quy trình chặt chẽ từ ý tưởng ban đầu đến trước khi soạn thảo hợp đồng cần được hội đồng thẩm tra được tuyển chọn từ các chuyên gia giỏi về công nghệ, kinh tế, pháp luật, tài chính để làm tư vấn cho cơ quan chủ quản quyết định dự án đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn của họ để đầu tư tại một vài nước, chắc chắn sẽ cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư. Cả hai đều cần môi trường đầu tư thông thoáng và thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch, dễ tiếp cận. Việc hợp tác, hổ trợ lẫn nhau giữa các nhà đầu tư Việt Nam ở từng nước để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời có tiếng nói tập thể đối với chính quyền sở tại về môi trường là nhân tố quan trọng bảo đảm thành công của các doanh nghiệp. Hiện nay nước ta đã thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại một số nước. Để hoạt động của các Hiệp hội có kết quả nên từ kinh nghiệm của Amcham, Eurocham, Kotra, Jetro tại Việt Nam, nhất là quan hệ với Chính phủ, chính quyền địa phương thông qua các diễn đàn đầu tư để vận dụng vào việc điều hành các Hiệp hội đó. ĐTRNN chịu tác động trực tiếp từ quan hệ chính trị, ngoại giao giữa nước ta với từng nước, Trong thời gian tới với xu thế Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, ký FTA thế hệ mới với nhiều nước, khi công đồng kinh tế ASEAN phát triển trở thành thị trường chung với 650 triệu người thì ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn. Tuy vậy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch với cuộc chiên tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc tạo ra bất lợi; do đó Chính phủ và các bộ cần cung cấp thông tin kịp thời và chỉ dẫn cho doanh nghiệp biến động tình hình từng nước, hướng dẫn các địa chỉ có thể thực hiện dự án đầu tư. Hình thành đường dây nóng, các cuộc tiếp xúc định kỳ giữa Chính phủ - doanh nhân, DN Việt Nam - đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn các vấn đề bức xúc trong hoạt động của doanh nghiệp. ĐTRNN không đơn thuần là vấn đề kinh tế có liên quan đến lợi nhuận và lợi ích của doanh nghiệp, mà còn có quan hệ với chính trị và ngoại giao, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, tăng cường quan hệ hợp tác và hữu hảo giữa nước ta với các nước, nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tác giả: GS TSKH NGUYỄN MẠI
Nguồn tin: www.nhadautu.vn