Doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ cần gần 60.000 nhân lực mới trong những tháng cuối năm

11/10/2021  
112
Theo TS. Đỗ Thanh Vân, nhu cầu nhân lực quý IV/2021 tại TP.HCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, theo đó, thành phố sẽ cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc tại các doanh nghiệp.
Đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt tại khu vực phía Nam, dù dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, chính quyền các địa phương đã từng bước khôi phục sản xuất trở lại nhưng 'làn sóng' di cư của người lao động lớn chưa từng có vẫn đang không ngừng diễn ra đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng tại các doanh nghiệp.

TP.HCM được biết đến là một trong những khu vực đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng đến thời điểm hiện tại con số lao động tại thành phố đã giảm còn 46% (số liệu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM), do đó, việc thu hút nguồn lao động trở lại sản xuất đang là vấn đề lớn được các doanh nghiệp quan tâm. Nhu cầu lao động của doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ chuyển biến ra sao trong những tháng cuối năm 2021? Phóng viên Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) để trả lời cho câu hỏi trên.

Doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ cần gần 60.000 nhân lực mới trong những tháng cuối năm

TS. Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI). Ảnh nhân vật

Ông đánh giá như thế nào tình hình nhu cầu lao động tại TP.HCM trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19?

TS. Đỗ Thanh Vân: Trong quý III/2021, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của 21.500 lượt doanh nghiệp và 41.368 chỗ làm việc. Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 80,1% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 19,8% và khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,1%.

Đặc biệt, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm cần 8.397 chỗ làm việc, chiếm 20,3% tổng nhu cầu, cụ thể: Ngành cơ khí chiếm 4,86% tổng nhu cầu nhân lực; điện tử - công nghệ thông tin chiếm 7,81%; hóa chất - nhựa - cao su chiếm 3,88%; chế biến lương thực - thực phẩm chiếm 3,75%.

Đối với nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 20.953 chỗ làm việc, chiếm 50,65% tổng nhu cầu nhân lực, cụ thể: Ngành thương mại chiếm 22,73% tổng nhu cầu nhân lực; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng chiếm 2,13%; du lịch chiếm 0,63%; bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 5,46%; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 4,08%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 8,57%; dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai chiếm 5,13%; giáo dục và đào tạo chiếm 1,46%; y tế chiếm 0,46%.

Mới đây, có thông tin số lao động tại TP.HCM đã giảm xuống còn 46%, vậy theo ông với mức quá ngưỡng 50% như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM?.

TS. Đỗ Thanh Vân: Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để khống chế dịch bệnh, thành phố đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhiều giai đoạn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.

Mặt khác, với tâm lý sợ bị lây nhiễm, nguồn tài chính bị cạn kiệt, cộng với vô vàn những khó khăn trong cuộc sống, rất nhiều lao động đã chọn phương án về quê trong thời gian qua. Điều này khiến cho tình trạng thiếu hụt lao động càng nặng nề hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi hoạt động trở lại, đặc biệt là thiếu lao động sản xuất trực tiếp trong các nhà máy, xí nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp phải trở ngại khi chuyển đổi một số mô hình hoạt động, khiến người lao động chưa kịp tiếp cận và thích nghi được với công nghệ mới, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động của doanh nghiệp.

Hiện nay, người lao động đang rời khỏi TP.HCM, khiến cho các doanh nghiệp bị thiếu lao động trầm trọng, vậy theo ông tình trạng này sẽ còn tiếp tục diễn ra hay không. Đặc biệt, trong quý IV/2021, TP.HCM sẽ cần khoảng bao nhiêu lao động để bù đắp?.

TS. Đỗ Thanh Vân: Trong những ngày đầu tháng 10 năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động nhập cư ồ ạt về quê trong thời gian qua đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại nhân sự chuẩn bị cho kế hoạch tái hoạt động.

Trong những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng khoảng thời gian còn lại hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu nhân lực quý IV/2021 tại TP.HCM sẽ có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2021 cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí – tự động hoá; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch – nhà hàng – khách sạn; kỹ thuật điện – điện lạnh – điện công nghiệp –  điện tử; công nghệ lương thực – thực phẩm; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng;…

Mặt khác, trong những tháng cuối năm ngoài nhu cầu tuyển dụng lao động toàn thời gian, thì doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết.

Để thu hút người lao động trở lại làm việc, cũng như “hiến kế” cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM có thể đảm bảo được nguồn nhân lực, phục hồi sản xuất trở lại ông có những đề xuất gì?

TS. Đỗ Thanh Vân: Doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đúng các quy định trong phòng chống dịch, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe để người lao động yên tâm và có động lực quay lại làm việc.

Bên cạnh đảm bảo các chế độ lương, thưởng và ưu đãi phù hợp, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các “khu nhà trọ 0 đồng”, cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải tổ chức đón người lao động quay trở lại thành phố làm việc.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn lao động ở nơi làm việc, đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo bổ sung, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng nghề, kỹ năng ứng dụng công nghệ; đẩy mạnh số hóa để người lao động nâng cao tay nghề và thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững, giúp gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Nhàđầutư
: