Người ta vẫn nói người Mỹ rất thực dụng, nói ít làm nhiều, chỉ khi có cơ hội thực sự họ mới “ra tay”. Ở lần này, quan sát những chuyển động của giới đầu tư Mỹ có vẻ như tính thực dụng của người Mỹ đang bắt đầu được thể hiện rõ hơn.
Nhiều “đại gia” Mỹ mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Còn nhớ, trong buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Mỹ tại VN, ông Theodore Osius cho biết, tham vọng của Mỹ là trở thành nhà đầu tư số một và là đối tác thương mại lớn nhất của VN. Câu nói này của đại sứ Mỹ được lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều diễn đàn khác nhau. Và chắc chắn một điều, những lời nói của vị Đại sứ một quốc gia lớn như Mỹ sẽ không phải là những câu nói chĩ mang tính ngoại giao.
Quan sát các động thái của các nhà đầu tư, người ta cũng dễ dàng nhận thấy gần đây, một số tập đoàn lớn của Mỹ đã từng đầu tư ở VN được vài năm đang bắt đầu có kế hoạch mở rộng đầu tư, chuyển một số cơ sở ở các nước láng giềng VN sang VN để đón nhận những cơ hội mới sau các FTA, đặc biệt là TPP mà VN sắp sửa ký kết. Đầu tiên phải kể tới là Tập đoàn Intel, tập đoàn này đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất bo mạch chủ và bộ vi xử lý từ cơ sở ở Kulim (Malaysia) sang VN và Trung Quốc, vì chi phí lao động ở Việt Nam và Trung Quốc rẻ hơn. Điều này thực ra cũng không có gì ngạc nhiên, nhớ lại cách đây 2 năm khi mới “chân ướt, chân ráo” tới VN, trong bài trả lời phỏng vấn DĐDN, bà Sherry Boger – Tổng giám đốc Intel VN đã chia sẻ: “Một trong những mục tiêu mà tôi mong muốn trong nhiệm kỳ công tác ở VN là Intel Products Vietnam sẽ mở rộng hoạt động đầu tư và tiếp tục là nhà máy đi đầu ở khâu lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới”. Và đến nay, những kế hoạch của nữ tướng Intel đã trở thành hiện thực. Và để chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu mở rộng quy mô đầu tư, trong năm qua, Intel VN đã cử hàng trăm kỹ sư VN sang đào tạo tại nhà máy ở Malaysia, cũng như liên kết với các trường đào tạo kỹ thuật trong cả nước để đào tạo nhân lực, bổ sung cho đội ngũ hơn 1.000 nhân viên hiện nay”.
Một ví dụ khác là hãng sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) cũng đang xây một nhà máy tại Bình Dương với chi phí 100 triệu USD sản xuất dao cạo râu Gillette. Hay như Cty Jabil một Cty Mỹ chuyên sản xuất các thiết bị điện tử tại khu công nghệ cao TP HCM cũng đã xây dựng kế hoạch tăng vốn từ 200 triệu USD đầu tư ban đầu lên 1 tỷ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất hiện nay…
Doanh nghiệp Mỹ cũng chờ đón TPP…
Một Báo cáo khảo sát về tình hình hoạt động của DN Mỹ tại các nước thuộc ASEAN AmCham Singapore công bố năm 2014 cho thấy, VN đang là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Indonesia. Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH- ĐT, tính đến cuối tháng 5/2015, Hoa Kỳ có tổng cộng 742 dự án đầu tư tại VN, với tổng vốn đăng ký trên 11 tỷ USD.
Mặc dù vậy, không hẳn các nhà đầu tư Mỹ đã hài lòng về môi trường kinh doanh tại VN. Trong bản báo cáo tại VBF mới đây, Chủ tịch Amcham, bà Sherry Boger chia sẻ, các hội viên Amcham vô cùng quan ngại về sự chậm trễ kéo dài và không chắc chắn của các dự án trọng điểm, các chính sách và quy định, bao gồm việc thực hiện thông tư và nghị định, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, hoạt động cải cách TTHC… Bà Sherry Boger lấy ví dụ từ ngành công nghiệp ôtô: “Hiện đang thiếu lộ trình rõ ràng và chi tiết cho quyết định chiến lược quy hoạch tổng thể tới năm 2020 – tầm nhìn 2030 đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và mang tính rủi ro khi nhà sản xuất cân nhắc kế hoạch lựa chọn khu vực thay thế trong ASEAN”.
Những lời bà Sherry Boger nói là có cơ sở, song nhìn một cách tổng thể những vấn đề trên cũng là điều bình thường ở một thị trường đầu tư. Điều quan trọng là tương lai cho mối quan hệ Việt – Mỹ nói chung, và tình hình đầu tư của Mỹ và VN nói riêng rất tích cực và sáng lạn.
Sắp tới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Mỹ. Đây sẽ là một chuyến thăm lịch sử và thắt chặt hơn quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại giữa VN và Hoa Kỳ. Đặc biệt, thỏa thuận TPP sẽ là chủ đề chính trong các cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư và Tổng thống Obama cũng như giới chức Mỹ.
Giới phân tích dự báo, nếu TPP được ký kết trong năm nay, chắc chắn “cơn địa chấn” đầu tư từ Mỹ sẽ tiến vào VN.
4 giai đoạn mà các DN Mỹ đầu tư vào VN :
– Giai đoạn thứ nhất (1994 – 2001) đây là thời điểm Mỹ bắt đầu bỏ cấm vận với VN và ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam
– Mỹ (BTA). ở thời điểm này, hàng loạt tên tuổi hàng đầu của Mỹ đã trở lại VN. Đó là Coca-Cola, PepsiCo, rồi IBM, Cargill, Microsoft… Sau này, còn nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, như Citigroup, Chevron, Ford, GE, AES, UPS… cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam.
– Giai đoạn thứ hai (2001-2007): Khi Việt Nam và Mỹ phát triển các mối quan hệ thương mại song phương.
– Giai đoạn thứ ba (2007 – 2012): Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. – Giai đoạn thứ tư (bắt đầu từ năm 2013 đến nay), khi các Cty nhượng quyền thương mại của Mỹ đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam: KFC, Subway, Burger King, Coffee Bean & Tea Leaf, Pizza Hut, Pizza Domino…
– Đặc biệt giai đoạn sắp tới có thể được xem là giai đoạn thứ 5 với rất nhiều cơ hội đang rộng mở như đã nói ở trên khi VN đang tham gia vào nhiều FTA, đặc biệt với TPP sắp được ký kết.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp