PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước năm 2022 với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2022. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước?
Ông Nguyễn Văn Toàn Ông Nguyễn Văn Toàn: Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều rất khó khăn và mỗi ngành Chính phủ đều có những chính sách hỗ trợ. Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước đã được Nhà nước hỗ trợ từ nhiều năm nay nhưng ngành này vẫn chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng. Trong mấy năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô trong nước có tốt lên, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của ngành bị ảnh hưởng, trì trệ và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 32 dù là hỗ trợ trước mắt, mang tính chất ngắn hạn nhưng hỗ trợ quá trình phục hồi của một ngành mà chúng ta đã nỗ lực xây dựng, hướng đến phát triển công nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam. Chắc chắn, các doanh nghiệp sẽ rất hoan nghênh và đón nhận chính sách này của Chính phủ. Nguồn: Nghị định 32/2022/NĐ-CP Đồ họa: Hồng Vân
PV: Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn lần này khoảng trên 20.000 tỷ đồng. Theo ông, việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ có tác động thế nào đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhất là khi trong năm vừa qua, các doanh nghiệp này đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19? Ông Nguyễn Văn Toàn: Chính sách này rõ ràng sẽ có tác động tốt với các doanh nghiệp. Hiệu quả đã được chứng minh khi mà từ năm 2020, đây là lần thứ 3 thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn. Có hiệu quả thì chính sách mới được Chính phủ tiếp tục thực hiện ở lần thứ 3 này. Gia hạn thời hạn nộp thuế là doanh nghiệp được tạm hoãn nghĩa vụ thuế với Nhà nước trong một khoảng thời gian, không phải được miễn toàn bộ số tiền đó. 20.000 tỷ đồng là một con số không nhỏ, nếu được tận dụng tốt, doanh nghiệp sẽ có thêm được nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động phục hồi của mình sau cú sốc Covid-19 trong thời gian qua.
Thời gian gia hạn đến hết ngày 20/11/2022
Theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP, Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2022. Việc một số ý kiến cho rằng chính sách gia hạn này không có tác dụng nhiều là không đúng. Bởi vì, doanh nghiệp bao giờ cũng cần tiền, mà không phải doanh nghiệp lúc nào cũng có vốn tự có của mình, sản xuất kinh doanh thì phải đi vay và đi vay thì phải trả lãi cho ngân hàng.
Hầu hết các doanh nghiệp trong năm vừa qua đã bị bào mòn, thậm chí cạn kiệt nguồn lực bởi Covid-19, nên rất khó khăn khi khôi phục lại sản xuất. Chính sách gia hạn tiền nộp thuế thực chất là Chính phủ cho doanh nghiệp vay một khoản tài chính (số thuế doanh nghiệp phải nộp đúng hạn) trong một thời gian nhất định mà không phải trả lãi. Điều đó là tác dụng hiện hữu, tích cực, bởi vì việc được gia hạn sẽ giúp doanh nghiệp có thể tận dụng được khoản vay không lãi suất để đầu tư phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Khi doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, phục hồi được sản xuất rồi thì rõ ràng cần thực hiện trách nhiệm đối với Nhà nước, đóng thuế cho đúng, cho đủ, đúng thời hạn.
PV: Đối với người tiêu dùng thì sao thưa ông? Liệu chính sách này có mang lại lợi ích lan tỏa gì cho người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Tất nhiên, chính sách sẽ có hiệu ứng lan tỏa, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ chính sách này. Bởi vì khi được hỗ trợ giảm bớt khó khăn thì doanh nghiệp sẽ có những chính sách khuyến mại, bán hàng tốt hơn cho người tiêu dùng. Dù giá ô tô không giảm nhưng nhờ sự hỗ trợ này mà ô tô có thể không tăng giá hoặc người tiêu dùng có thể được doanh nghiệp hỗ trợ một phần thuế trước bạ khi mua xe. Đó là những điều có lợi cho người tiêu dùng.
PV: Quan sát kinh nghiệm từ 2 lần gia hạn trước đó, theo ông, cần chú ý điều gì để chính sách hỗ trợ này thực sự phát huy được tác dụng và kịp thời?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định 32 là một chính sách hỗ trợ ngắn hạn trong một thời gian, thời điểm khó khăn nhất định, không phải chính sách về lâu dài nên thủ tục cũng cần được thực hiện nhanh chóng, rút gọn. Vì vậy, Chính phủ khi ban hành Nghị định 32 đã nhấn mạnh yêu cầu thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là một động thái rất đúng của Chính phủ và rất kịp thời cho doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm từ 2 lần thực hiện chính sách trước đó chúng ta đã làm tốt rồi thì lần này tiếp tục làm tốt hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tránh gây khó dễ cho doanh nghiệp. Nếu kéo dài thời gian thực hiện khi doanh nghiệp đã nếm đủ khó khăn rồi thì rõ ràng sẽ giảm tác dụng rất nhiều của chính sách. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Cần chính sách dài hơi để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô phát triển
Theo Bộ Tài chính, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ôtô. Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ôtô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - một trong những thị trường ôtô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động. Không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất ô tô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Chưa có năm nào mà thị trường ôtô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió như năm 2021, sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước là lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, đây là động thái rất tích cực của Chính phủ và Bộ Tài chính, gỡ khó cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Tuy nhiên, ông Toàn cũng cho rằng, chính sách này chỉ nên áp dụng trong giai đoạn cấp bách. Về lâu dài, để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước, cần có những chính sách căn cơ, dài hơi hơn, giúp các doanh nghiệp phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và có thể tham gia vào chuỗi giá trị tốt hơn.