Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: 700.000 doanh nghiệp, sao chỉ có 61 doanh nghiệp đạt giải?

23/12/2020  
103
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: 700.000 doanh nghiệp, sao chỉ có 61 doanh nghiệp đạt giải?

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - vốn được hiểu là một giải thưởng mang tầm vóc quốc gia, là bộ mặt doanh nghiệp Việt khi vươn mình ra thế giới, nhưng trong hơn 700.000 doanh nghiệp năm 2020 lại chỉ 61 doanh nghiệp xứng đáng?

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 21 doanh nghiệp và tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 40 doanh nghiệp. Tổng cộng có 61 doanh nghiệp đạt giải thưởng Chất lượng Quốc gia trong năm nay. Con số này là ít nhất từ năm 2003 trở lại đây.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia của Thủ tướng Chính phủ cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng văn hoá, phong trào năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia xét trên hầu hết các tiêu chí của doanh nghiệp, từ hoạt động quản trị tới trách nhiệm xã hội.

Tuy mang tầm cỡ quốc gia nhưng góp mặt trong danh sách vàng Chất lượng Quốc gia lại không phải là những "ông lớn" tầm cỡ trong các lĩnh vực kinh tế, những tên tuổi thật quen thuộc với người dân Việt Nam mà hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, năm 2020, 21 doanh nghiệp được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 gồm: Công ty TNHH Esquel garment manufacturing (Việt Nam), Công ty TNHH NESTLÉ Việt Nam, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu...

Điều này dẫn tới những nghi ngại về tầm vóc cũng như ý nghĩa của giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Để làm rõ hơn lý do tại sao một giải thưởng mang tầm cỡ quốc quốc gia - một quốc gia có hơn 700.000 doanh nghiệp lớn nhỏ lại chỉ có 61 doanh nghiệp được vinh danh là Chất lượng Quốc gia, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đồng thời là Ủy viên Hội đồng quốc gia chấm giải thưởng Chất lượng Quốc gia về vấn đề này.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: 700.000 doanh nghiệp, sao chỉ có 61 doanh nghiệp đạt giải?

TS. Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã ra đời 24 năm nay (từ năm 1996 - nay) - một giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trao thưởng, có thể coi là đại diện cho thương hiệu quốc gia, vậy tại sao trong hơn 700 nghìn doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ chọn ra được 61 doanh nghiệp, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Toàn: Đây có thể coi là một khiếm khuyết của giải thưởng Chất lượng Quốc gia - một giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ trao, có ý nghĩa rất to lớn nhưng lại không nhiều doanh nghiệp biết tới.

Giải thưởng này đặt ra mô hình doanh nghiệp lý tưởng để các doanh nghiệp phấn đấu với hệ tiêu chí khá đông bộ. Hệ tiêu chí sử dụng nhiều tiêu chí lấy ý tưởng từ giải thưởng Doanh nghiệp lý tưởng của Mỹ hay giải thưởng chất lượng Hoa Kỳ nên doanh nghiệp không phải dễ dàng đạt được 1.000 điểm (điểm tối đa).

Đúng là những doanh nghiệp đạt giải hiện nay còn rất khiêm tốn và cũng không phải là những doanh nghiệp quá tiêu biểu cho các ngành, lĩnh vực. Điều này phụ thuộc lớn vào 2 yếu tố. Một là doanh nghiệp phải tự nguyện tham gia và 2 là do các địa phương giới thiệu lên. Để đạt giải quá trình chuẩn bị hồ sơ từ phía doanh nghiệp cũng khá phức tạp. Một bộ hồ sơ có khi phải từ 150-200 trang, xét trên hầu hết các bình diện hoạt động của doanh nghiệp từ quản trị tới trách nhiễm xã hội.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp Việt còn chưa mặn mà với giải thưởng này cũng do yếu tố tuyên truyền của cơ quan quản lý còn hạn chế vì không có nhiều kinh phí cho hoạt động quảng bá. Kinh phí cho giải thưởng này hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn của nhà nước cấp, không tạo nguồn thu từ xã hội hoá.

Chính vì thế, mỗi năm chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp đạt danh hiệu Chất lượng Quốc gia. Trong đó khoảng 20 doanh nghiệp đạt giải vàng. Sau 24 năm, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng gấp nhiều lần, quy mô, chất lượng cũng thay đổi về cơ bản nhưng số lượng doanh nghiệp nhận giải thưởng cũng không tăng. Đó là hạn chế cố hữu của giải thưởng này.

Vậy theo ông, làm sao để giải thưởng Chất lượng Quốc gia đạt được đúng mục tiêu - lựa chọn, tôn vinh những doanh nghiệp đạt Chất lượng Quốc gia, đại diện cho bộ mặt đất nước trên trường quốc tế?

Chúng tôi cũng đang nỗ lực để làm sao khắc phục những hạn chế cố hữu nêu trên. Tuy nhiên, điều này cũng không đơn giản khi nguồn vốn cho hoạt động này rất hạn chế, nhân sự cũng không phải chuyên trách và việc chấm giải lại cần rất cẩn trọng.

Có thời điểm trong Hội đồng quốc gia cũng có một vài ý kiến cho rằng nên xã hội hoá giải thưởng này nhưng đa số không đồng ý vì sợ ảnh hưởng tới tính khách quan, dẫn tới lỏng lẻo trong quá trình tuyển chọn.

Tuy nhiên, tôi đề xuất nên có đổi mới trong xét thưởng năm tới như mở rộng hơn, tuyên truyền quản bá tốt hơn và tích cực mời nhiều doanh nghiệp tham gia hơn.

Vừa rồi Bộ KH&CN cũng đã ra Thông tư mới liên quan tới giải thưởng này. Trước đây, chỉ hội đồng sơ tuyển ở địa phương là các tỉnh (thường Giám đốc Sở KH&CN tỉnh sẽ là Chủ tịch) xem xét các hồ sơ rồi trình lên Uỷ ban quốc gia để xét bình chọn. Những doanh nghiệp nào được đề xuất giải vàng thì thẩm định tại chỗ để xác định đúng hay không. Thì trong năm tới, không chỉ các địa phương mà các Bộ cũng sẽ được đề xuất giải cho doanh nghiệp thuộc Bộ mình quản lý.

Thực ra để các doanh nghiệp đạt danh hiệu Chất lượng Quốc gia cũng không quá khó khăn, đặc biệt với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vi hệ thống quản trị của các doanh nghiệp này khá hiện đại, tiệm cận với các yêu cầu mà giải thưởng này đặt ra một cách dễ dàng hơn.

Vậy theo ông, tham gia giải thưởng và nhận được giải thưởng Chất lượng Quốc gia thì doanh nghiệp được những gì?

Theo tôi hiệu quả thực tế rất cao. Không chỉ những doanh nghiệp đạt giải mới thấy có hiệu quả mà ngay từ khi làm hồ sư tham gia các doanh nghiệp đều cảm nhận được rằng, việc soi xét mình qua các tiêu chí giải thưởng đã giúp quá trình hoạt động của doanh nghiệp hoàn thiện hơn. Ngay cả những doanh nghiệp làm rất tốt rồi cũng có cảm nhận này, khi thấy khiếm khuyết, lỗ hổng họ biết chỗ để thêm vào, vá lỗ hổng đó.

Hiện nay, những doanh nghiệp đạt giải vàng sẽ có cơ hội chọn được đề xuất để tham gia giải thưởng Chất l­ượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dư­ơng của Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dư­ơng. Theo thông lệ, mỗi năm sẽ có từ 1-3 doanh nghiệp Việt đạt giải này.

Tuy nhiên, đúng là khiếm khuyết lớn nhất của giải thưởng Chất lượng Quốc gia vẫn là sự tham gia quá ít của cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói là hàng vạn doanh nghiệp chưa biết tới sự tồn tại của giải thưởng này và quan tâm tới nó. Điều này cho thấy cần có sự thay đổi trong cách quảng bá giải thưởng, cách tiếp cận với doanh nghiệp để làm sao doanh nghiệp biết tới, hiểu rõ về giải thưởng và coi trọng nó như là một danh hiệu quốc gia, tự hào khi khoác lên mình.

Xin cảm ơn ông!

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương, được thiết lập, triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và các tiêu chí của Giải thưởng chất lượng của các quốc gia tiên tiến. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được trao giải hằng năm và giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, một đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hông qua các tiêu chí giúp doanh nghiệp hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ bằng việc tiếp cận chất lượng theo một hệ thống các giá trị cốt lõi: Tầm nhìn của lãnh đạo; Định hướng vào khách hàng; Nâng cao kiến thức của tổ chức và cá nhân; Nâng cao giá trị của các bên có quyền lợi liên quan; Sự linh hoạt, nhạy bén; Chú trọng vào tương lai; Quản lý để đổi mới; Quản lý dựa trên sự kiện; Trách nhiệm xã hội; Chú trọng vào kết quả và tạo ra giá trị; Mục đích quản lý theo hệ thống.

Nguồn: Nhàđầutư
: