Giữ cách làm hiện tại, nông nghiệp Việt có thể gặp thảm hoạ với TPP

23/12/2016  
41

Tại hội nghị Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - "Từ phê chuẩn đến thực hiện" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức cuối tuần này, nhiều đại biểu bày tỏ sự trăn trở với số phận của người nông dân và ngành nông nghiệp khi Việt Nam bước vào sân chơi thương mại đỉnh cao.

Theo đó, những khó khăn không chỉ đến từ khách quan khi tham gia TPP mà trong chính cách làm nông nghiệp của Việt Nam đang rất có vấn đề. Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi hàng loạt vụ bê bối đã xảy ra gây mất niềm tin của người tiêu dùng: dùng chất tạo nạc gây ung thư trong chăn nuôi lợn, dùng hoá chất bừa bãi trong trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản...

Ông Nguyễn Anh Sơn - Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nam Định bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng an toàn thực phẩm khi Việt Nam vào TPP.

"Với cách làm như hiện nay, TPP sẽ là thảm hoạ đối với ngành nông nghiệp. Người Việt đang làm ra các thực phẩm đầu độc chính mình, thực phẩm bị phát hiện chứa chất cấm, rồi mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan, với kiểu làm này, có đặt được chân vào TPP rồi cũng bật ra”, ông Sơn nói.

Nói về khó khăn của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Công Thương - Trần Quốc Khánh cũng không giấu được những trăn trở. Theo đó, một số chủng loại nông sản mà Mỹ và một số nước khác trong TPP có thế mạnh như: thịt lợn, thịt gà… sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn khi thuế suất về 0%. Khi đó, các loại thịt ngoại sẽ tràn vào Việt Nam. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng mức độ nhẹ hơn vì đây là những sản phẩm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ trước như sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc…

Thứ trưởng Khánh khẳng định, Nhà nước sẽ có cách thức hỗ trợ ngành nông nghiệp và người nông dân - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong TPP: mở cửa thị trường, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng khác để thu hút lao động dư thừa; thiết kế lộ trình giảm thuế phù hợp để người nông dân có thời gian tái cơ cấu sản xuất…

Thứ trưởng cho rằng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải chú trọng khi tham gia sân chơi này. Cách duy nhất để kiểm soát được vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản là đưa nông nghiệp manh mún thành ngành sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ vào khâu chế biến, sau thu hoạch…

Theo ông Vũ Văn Minh, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện Việt Nam đang xuất khẩu lượng lớn nông sản, thuỷ sản, gỗ sang các nước TPP. Các mặt hàng này sẽ được xoá 92,7-100% dòng thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực với Mỹ, trong khi cùng mặt hàng này xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được giảm ngay 78-97%.

Các nông sản chính mà Việt Nam đang xuất khẩu sang nước TPP là: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, chè, rau quả. Đây là những mặt hàng mà Việt Nam sẽ được hưởng lợi do nhiều nước trong TPP cam kết xoá bỏ ngay thuế nhập khẩu. Một số nước như: Mexico, Chile cam kết xoá bỏ thuế theo lộ trình từ 5-10 năm tuỳ từng loại mặt hàng.

Với mặt hàng thịt lơn, thịt gà, thịt bò thuế suất nhập khẩu sẽ về 0% trong lộ trình từ 5-12 năm tùy loại. Đây là khó khăn lớn đối với ngành chăn nuôi vì là mặt hàng có thế mạnh của các nước TPP.

Theo tìm hiểu, khi chưa có TPP, thuế suất các mặt hàng thịt vào Việt Nam vẫn ở mức cao: thịt bò 14-30%, thịt lợn 15-25%, thịt gà 15-40%, các loại thịt khác từ 5% trở lên… thì lượng thịt ngoại nhập vào Việt Nam đã tăng mạnh

Ông Minh cho biết ngành nông nghiệp sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trong TPP. Một số sản phẩm không đáp ứng được quy tắc xuất xứ do sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

"Việt Nam đang rất thiếu vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh”, ông Minh nói và cho biết nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Ngay cả đối với ngành thuỷ sản, nhóm ngành mà Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều với việc 90% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiêu lực, thực chất không hoàn toàn là viễn cảnh màu hồng.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu thuỷ sản, hiện đã có xuất khẩu sang 165 nước trên thế giới. Năm 2015, giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang các nước TPP đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm 47% tổng lượng xuất khẩu. Trong đó, Mỹ và Nhật Bản là hai nhà nhập khẩu lớn nhất.

Ông Hoè cho biết, ngành thuỷ sản được hưởng lợi lớn nhưng cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức như nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao, quy tắc xuất xứ chặt chẽ và khắt khe hơn, các rào cản kỹ thuật bảo hộ thương mại, nguồn lao động. Thuỷ sản của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước có lớn trong TPP vốn có công nghệ chế biến và giá thành rẻ hơn.

Trong khi đó, đại biểu Chu Hồi cho rằng Việt Nam thực chất không được lợi nhiều nhất như các dự báo của tổ chức quốc tế mà chỉ có chút lợi về xuất khẩu hàng hoá bên cạnh hàng loạt các thách thức phía trước: nông nghiệp, lao động… Vị này nhận định, sau 5 năm vào TPP, Việt Nam chỉ tăng được chút ít về xuất khẩu thì các nước bạn đã bỏ rất xa rồi.

Khó khăn chồng chất, câu hỏi "doanh nghiệp phải làm gì?” lại được hàng loạt các đại biểu đặt ra. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, Chính phủ không thể "dắt tay chỉ việc" cho từng doanh nghiệp được và nếu làm như thế thì chắc chắn sẽ thất bại. Ông cho rằng doanh nghiệp trong nước đủ trí tuệ và động lực để tự biết mình phải làm gì nhưng nhà nước phải là bệ đỡ, phải tạo môi trường cho doanh nghiệp phát huy thế mạnh.

"Hội nhập trước hết là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn, tập đoàn xuyên quốc gia. Trong cuộc chơi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tổn thương nên cần hỗ trợ. Nhà nước phải làm cả 2 tay. Một mặt tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, sòng phẳng, một hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Lộc nói.

Theo VnExpress

: