Riêng về việc rút khỏi Hiệp định, Giám đốc Trung tâm WTO cũng cho biết, nước thành viên nào nếu muốn rút khỏi Hiệp định thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu (New Zealand), đồng thời thông báo cho tất cả các thành viên khác của Hiệp định về việc rút khỏi này. Việc rút khỏi sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày gửi thông báo đến New Zealand, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Và Hiệp định sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực với các thành viên còn lại.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung nội dung Hiệp định TPP, đại diện Trung tâm WTO chia sẻ, các nội dung, cam kết trong TPP có thể được sửa đổi, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các thành viên. Nội dung sửa đổi sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày tất cả các thành viên thông báo đồng ý sửa đổi bằng văn bản cho New Zealand. Trong trường hợp một cam kết WTO mà TPP dẫn chiếu tới có sửa đổi thì, trừ khi có quy định khác trong Hiệp định, các thành viên sẽ tiến hành tham vấn xem có nên sửa đổi nội dung tương ứng trong Hiệp định hay không. Trước những nội dụng này, bà Trang cũng lưu ý với doanh nghiệp, việc TPP có những thành viên nào có ý nghĩa đặc biệt trong quan trọng đối với các doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội của TPP, đặc biệt là liên quan tới thị trường và quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, việc TPP thêm hoặc bớt thành viên, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh ưu tiên ở nhiều hơn hay ít hơn các thị trường. Số lượng các nước thành viên TPP cũng ảnh hưởng tới tình hình cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam và các nước TPP. “Do tính mở của mình, số lượng các thành viên TPP không cố định mà có thể thay đổi theo các thời điểm khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý theo dõi TPP có bao nhiêu thành viên, và đó là những nước nào để có kế hoạch kinh doanh phù hợp tận dụng TPP”, bà Trang lưu ý. Doanh nghiệp cần quan tâm tới quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP Theo lãnh đạo Trung tâm WTO, trong thương mại quốc tế, quy tắc xuất xứ hàng hóa được sử dụng để xác định nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), quy tắc xuất xứ của hàng hóa được sử dụng để xác định xuất xứ của hàng hóa để cho hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA đó. Thông tin của đại diện Trung tâm WTO cho biết, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định TPP được sử dụng để xác định xem một sản phẩm hàng hóa nhất định có được coi là xuất xứ của TPP hay không, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP. Cụ thể, quy tắc xuất xứ TPP yêu cầu các hàng hóa nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định, thì phải được hình thành hoàn toàn từ các nước TPP hoặc được sản xuất từ các nguyên liệu và theo quy trình nhất định trong khu vực TPP. Hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ TPP, sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này. Quy tắc xuất xứ là điều kiện để hàng hóa có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định TPP, khi xuất hàng sang các thị trường TPP hay khi nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam đều cần chú ý nghiên cứu và đáp ứng các quy tắc xuất xứ liên quan tới hàng hóa của mình. Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ phải thực hiện ngay từ đầu (ví dụ từ khâu tìm nguồn nguyên phụ liệu, thiết kế quy trình sản xuất…), nên doanh nghiệp phải quan tâm vấn đề này sớm để thu xếp đáp ứng, không nên để tới thời điểm xuất/nhập hàng hóa mới tìm hiểu”, Giám đốc Trung tâm WTO nêu lưu ý với doanh nghiệp.Theo VnMedia