Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực phía Bắc năm 2019

10/12/2019  
82

Ngày 10/12/2019, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực phía Bắc năm 2019. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực phía Bắc năm 2019

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội thảo được nghe Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng giới thiệu bức tranh tổng quan về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và một số nội dung của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong 11 tháng năm 2019 vốn giải ngân đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký 31,8 tỷ USD, tăng 3,1%. Vốn cấp mới và tăng thêm giảm nhưng số lượng dự án mới, tăng vốn mạnh (tăng 28,2% và 18,6%) thể hiện xu hướng đầu tư nước ngoài đang tăng.

Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng ngày càng tăng, năm 2017 chiếm 17,02%, năm 2018 chiếm 27,78%, 11 tháng 2019 chiếm 35,3%. Đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 67,81%. Trong năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Giới thiệu về Nghị quyết số 50-NQ/TW, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo về khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Cụ thể, phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu, vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm), giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm), giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm). Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần tập trung các giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, cần thực hiện các giải pháp như xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc về suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết, lan tỏa,… Ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra như mức độ tham gia chuỗi giá trị, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội… Áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết. Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Đồng thời, phải tăng tính cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, phải xây dựng danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài theo phương pháp chọn bỏ. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ. Xây dựng cơ chế khuyến khích bổ sung đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, chấp hành tốt cam kết, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế. Khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận và giải đáp những vướng mắc của các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, tập trung thảo luận về các vấn đề như xúc tiến đầu tư trong bối cảnh mới và các giải pháp để thu hút đầu tư có chọn lọc. Đồng thời, thảo luận về các nội dung liên quan đến chế độ báo cáo, quản lý sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương, ngăn ngừa tranh chấp, khiếu kiện Chính phủ. Đây cũng là dịp để các đại biểu tiếp tục tham gia ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi)./.

Minh Hậu Bộ Kế hoạch và Đầu tư

: