“Không nên ăn mừng TPP quá sớm”

24/12/2016  
54

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử và sẽ khiến bộ mặt thương mại toàn cầu thay đổi. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, không nên ăn mừng TPP quá sớm, bởi sẽ phải mất nhiều năm trước khi những lợi ích kinh tế của thỏa thuận này được cảm nhận rõ nét.

Sau 5 năm đàm phán, 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đặt bút ký TPP vào ngày 5/10 tại thành phố Atlanta của Mỹ. Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Mỹ đàm phán kể từ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cách đây hơn 2 thập niên.

“Còn một số trở ngại cần phải vượt qua trước khi thỏa thuận được thực thi”, ông Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty nghiên cứu Capital Economics, phát biểu. Trước tiên, TPP cần phải được quốc hội mỗi quốc gia thành viên phê chuẩn. Đây là một quá trình không hề dễ dàng và có thể mất thời gian nhiều tháng. Tại Mỹ, nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ và các tổ chức công đoàn lo ngại TPP sẽ khiến công nhân Mỹ mất việc và làm suy yếu các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, một số nghị sỹ Cộng hòa phản đối các điều khoản TPP cấm công ty thuốc lá được kiện chính phủ về các biện pháp cấm hút thuốc. “Các nghị sỹ Dân chủ phản đối TPP. Một số ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa, bao gồm Donald Trump cũng phản đối TPP. Với kỳ bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm tới, TPP có thể bị mắc kẹt ở Quốc hội Mỹ”, ông Kenningham nhận định. Thứ hai, tốc độ hạ thấp hàng rào thuế quan và gia tăng sự tiếp cận thị trường chỉ diễn ra từ từ. “Cho dù TPP được thực thi, thì lợi ích đầy đủ của hiệp định sẽ chưa thể được cảm nhận rõ trong nhiều năm nữa”, ông Kenningham nói. Ông Evan Lucas, chiến lược gia thị trường tại công ty IG cũng đồng tình với quan điểm cho rằng TPP sẽ không phải là một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần. “Nhìn từ phương diện chính trị, TPP là thú vị. Nhưng từ phương diện thị trường, thỏa thuận này có vẻ không quan trọng lắm. Xét tới sự phản đối mà TPP vấp phải từ cả đảng Dân chủ và một số nghị sỹ Cộng hòa của Mỹ, thỏa thuận này khó có khả năng phát huy tác dụng trong nhiều năm”, ông Lucas nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, nếu TPP được Quốc hội Mỹ thông qua, thì tầm quan trọng dài hạn của thỏa thuận này là không thể xem thường. “Nếu được thực thi, thì ảnh hưởng của TPP đối với hầu hết các nước ở vành đai Thái Bình Dương sẽ là có lợi cho GDP, và bởi vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng sẽ được hưởng lợi. Nhưng điều này phải mất nhiều năm mới đạt được. Hàng hóa mềm, tài sản sở hữu trí tuệ, và dịch vụ có thể xuất khẩu sẽ là những lĩnh vực hưởng lợi lớn”, ông Lucas nói. Tiến trình đàm phán TPP hoàn tất trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng. Cả hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản cùng gặp khó. Nói về lợi ích trước mắt của TPP, ông Doug Lippoldt, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng HSBC nói rằng “một thỏa thuận giữa các quốc gia chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế toàn cầu gửi đi một tín hiệu tích cực tới toàn thể thế giới”. “Sáng kiến rất thực chất này cho thấy một bước tiến đầy ý nghĩa tới những cải cách cơ cấu cần thiết”, ông Lippoldt nhận xét. Ngoài ra, dù TPP có một lộ trình thực thi trong nhiều năm, ông Lippoldt nhấn mạnh rằng hiệp định này sẽ thiết lập một chương trình nghị sự có lợi cho tự do hóa trong trung và dài hạn. “TPP sẽ giúp định kỳ các kỳ vọng và có thể dẫn tới những cải cách xa hơn trong những vấn đề khác hoặc ở những nền kinh tế khác”, vị chuyên gia nói.

Theo VnEconomy

: