Kinh tế TP.HCM qua đại dịch

8/11/2021  
116

Kinh tế quý IV/2021 dự kiến phục hồi sau khi TP.HCM thay đổi cách thức phòng chống dịch và dần mở cửa kinh tế. Nhiều dấu hiệu cho thấy, kinh tế của thành phố sẽ phục hồi, dự báo cả năm 2021 GDRP của TP.HCM có thể chỉ giảm 1,5%.

Vai trò của TP.HCM trong nền kinh tế Việt Nam

TP.HCM là đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Trước đại dịch COVID-19, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%/năm, quy mô GRDP của thành phố năm 2020 ước chiếm 22,8% GDP cả nước và khoảng 48,4% GRDP của Vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.799 USD (cả nước ước trên 3.000 USD/người).

Cơ cấu kinh tế luôn duy trì tỷ trọng hợp lý, khu vực dịch vụ thường xuyên giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP, năm 2020 ước đạt 62,13%, vượt chỉ tiêu đề ra là 56% - 58%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 24,61%. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân hàng năm là 12,17%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GRDP. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là 1.857.204 tỷ đồng, trong đó dự toán thu ngân sách năm 2020 là 405.828 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước (khoảng 27%).

Kinh tế TP.HCM qua đại dịch

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tấn công khiến cho TP.HCM bị thiệt hại nặng nề.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, đến năm 2025, thành phố sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại. GRDP tăng trưởng bình quân trên 8%, GRDP bình quân trên đầu người khoảng 8.500 USD.

Kinh tế thành phố những tháng đầu năm 2021

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước giảm 4,98% so với cùng kỳ năm trước, riêng quý 3, chứng kiến mức giảm kỷ lục 24,39%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bằng 87,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ, trong đó ngành lưu trú, ăn uống giảm 30,5%, lữ hành giảm 56,2%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng Thành phố (kể cả dầu thô) đạt 28,586 tỷ USD, giảm 4,3%; nhập khẩu đạt 38,716 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 279.298 tỷ đồng, đạt 76,5% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 49.520 tỷ đồng, đạt 51,1% dự toán, giảm 2,9% so với cùng kỳ Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 220.324 tỷ đồng, giảm 29,3% so với cùng kỳ.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trở lại từ tháng 4 đã làm giảm các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Vốn quý III ước thực hiện 34.688 tỷ đồng, so với quý II bằng 30,2%; so với quý III cùng kỳ bằng 28,2%. Trong quý III, chỉ có ngành Y tế tăng 15,6% do mua trang thiết bị phục vụ chữa trị COVID-19, còn lại các ngành đều giảm. Một số ngành giảm thấp là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành giao thông vận tải; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ. Những ngành giảm mạnh nhất như: bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí…

Lũy kế từ ngày 1/1/2021 đến 15/9/2021, thành phố đã cấp phép thành lập 22.333 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 376.589 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 23,3% và vốn giảm 43,5%. Tuy nhiên, kinh tế quý IV dự kiến phục hồi sau khi thành phố thay đổi cách thức phòng chống dịch và dần mở cửa kinh tế. Nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế của thành phố sẽ phục hồi, dự báo cả năm 2021 GDRP của thành phố có thể chỉ giảm 1,5%.

Kế hoạch khởi động lại nền kinh tế

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh đã thay đổi quan điểm trong phòng chống COVID-19, từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Việc thực hiện dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản, gồm: Y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; đảm bảo an sinh, ổn định chính trị xã hội là trọng yếu, thường xuyên; ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết.

Các cơ quan chức năng đang khẩn trương ban hành hành thống nhất các tiêu chí, quy định kiểm tra về cơ sở đủ điều kiện an toàn về y tế để mở cửa hoạt động; “thẻ xanh” để người dân tham gia giao thông, học tập, lao động, ưu tiên cho những lao động thuộc ngành nghề thiết yếu; gỡ bỏ “giấy phép con” việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương; tạo điều kiện việc nhập khẩu thiết bị và chuyên gia có “thẻ xanh” vào làm việc; có chính sách trợ giúp, khuyến khích xã hội hóa để mọi người dân có điều kiện tiếp cận giáo dục online, thụ hưởng chăm sóc sức khỏe từ xa (teleheath, sổ y tế điện tử, báo hiểm điện tử).

Thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động. Các chính sách, giải pháp cần được thiết kế ổn định, lâu dài để doanh nghiệp an tâm lập kế hoạch sản xuất.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công - xem đây là nhiệm vụ cấp bách, từ đó thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị điều hành trong toàn xã hội. Khẩn trương thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Đô thị thông minh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, phát triển hạ tầng số. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế.

Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Phát triển các mặt hàng nông nghiệp nền tảng của thành phố vừa đảm bảo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu trên cơ sở chủ động nghiên cứu, nắm bắt kịp thời về thị trường, khả năng đáp ứng, tiếp cận các FTA quan trọng như CPTPP, EVFTA. Tăng cường kiểm tra việc tăng giá cước trong vận tải, logistic.

Nguồn: Nhadautu
: