Làm gì để hút vốn đầu tư nước ngoài?

23/12/2016  
55

"Đã cải cách bao giờ cũng gặp chống đối, những cải cách không có chống đối thì phải xem lại" - ông Tony Blair nói.

Việt Nam cần có lộ trình cải cách DNNN - đó là những lời khuyên của cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại Việt Nam ngày 4/3.

Ông Tony Blair và văn phòng của mình tại Việt Nam đã đưa ra nghiên cứu với hàng loạt đề xuất từ kinh nghiệm sáu nước trong cải cách DNNN tại hội thảo về vai trò DNNN do Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức.

Mọi cải cách đều khó khăn

Mở đầu, cựu thủ tướng Tony Blair thẳng thắn: “Câu hỏi quý vị đặt ra là bây giờ Việt Nam tiếp tục phát huy những gì để tạo thịnh vượng, sự thay đổi trong thời gian tới. Cải cách DNNN là một phần của sự thay đổi đó!”.

Ông Tony Blair cho rằng bất cứ cải cách nào cũng cần đặt câu hỏi nó có dẫn đến sự thịnh vượng, cơ hội cho người dân không.

Chia sẻ kinh nghiệm 10 năm làm thủ tướng, ông Tony Blair nêu hai bài học quan trọng nhất: nhiều người có ý tưởng hay song thực hiện mới khó. Thứ hai, tất cả cải cách đều khó khăn nhưng “để một quốc gia tiến bộ, phát triển thì phải có cải cách”.

Ông Tony Blair cho biết kỷ nguyên nhà nước nắm quyền chi phối doanh nghiệp chỉ thịnh hành trong những năm 1940-1950. Theo thời gian, người ta đã nhận ra tính không hiệu quả của mô hình đó.

“Chính phủ không hiệu quả lắm trong điều hành các tổ chức kinh tế, kinh doanh, nhất là không tốt trong đổi mới, tăng sáng kiến trong doanh nghiệp. Trong khi đó, việc quản lý doanh nghiệp luôn cần đổi mới, sáng tạo” - ông Tony Blair nhấn mạnh.

Trong 20-30 năm qua, trên toàn thế giới, việc tư nhân hóa DNNN đã diễn ra. Ông Tony Blair cho rằng những cải cách DNNN đều khó khăn.

“Bởi vì khi thay đổi hệ thống bao giờ cũng có người không thích, họ tin rằng nếu họ làm việc cho DNNN thì ổn định hơn”, nhưng ông khẳng định “dần dần việc cải cách sẽ tạo được lợi ích lớn hơn sự phản kháng”.

Nêu bài học từ nước Anh, cựu thủ tướng Tony Blair khẳng định: cải cách DNNN sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, tăng sức mạnh nền kinh tế.

Cổ phần hóa “có vấn đề”

Trình bày nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch - đầu tư, bà Fale Maly thuộc Văn phòng cựu thủ tướng Tony Blair tại Hà Nội nêu kinh nghiệm của sáu nước có sự thay đổi mạnh mẽ về DNNN đã được tập hợp, gồm: Anh, Nhật, Brazil, Mexico, Hungary, Ba Lan để tư vấn cho Việt Nam.

Báo cáo nêu dù điểm xuất phát thế nào, các quốc gia trên đều thực hiện tư nhân hóa từ những năm 1980, chủ yếu vì nhận ra các DNNN hoạt động kém hiệu quả...

 Từ kinh nghiệm sáu quốc gia, báo cáo đưa ra hàng loạt kết luận và kiến nghị: các quốc gia khi phát triển, chính phủ thường có xu hướng chuyển từ vai trò chủ sở hữu sang vai trò điều tiết, đồng thời xây dựng các công cụ mới để tác động vào nền kinh tế.

Đáng lưu ý, báo cáo thẳng thắn đề nghị Việt Nam nên xác định rõ liệu theo đuổi cổ phần hóa (CPH) như một phần chuyển sang nền kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả DNNN, giảm nợ Chính phủ hay đó lại chỉ là kết quả của áp lực quốc tế (như cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới hay từ các hiệp định thương mại tự do)... Báo cáo đề xuất Việt Nam cần xây dựng một lộ trình vững chắc để cải cách khu vực kinh tế nhà nước.

Đồng thời, làm rõ mục đích, yêu cầu cải cách DNNN, xây dựng trách nhiệm giải trình cho các mục tiêu cùng đối tượng chịu trách nhiệm cải cách...

Báo cáo cũng cho biết Việt Nam vẫn nắm giữ phần lớn sở hữu ở 40 lĩnh vực và khuyến nghị Việt Nam cần có quan điểm rõ ràng hơn về thu hẹp phạm vi sở hữu nhà nước.

Thẳng thắn nêu khái niệm “CPH” của Việt Nam khác với “tư nhân hóa” do Chính phủ Việt Nam vẫn nắm giữ tỉ lệ sở hữu lớn tại các doanh nghiệp, báo cáo nêu với cách tiếp cận hẹp như vậy, Việt Nam không thể kỳ vọng thấy được những tác động tích cực mà quá trình CPH mang lại như các quốc gia khác.

“Hiện tại, một số trường hợp CPH ở Việt Nam chủ yếu là phương thức huy động vốn chứ không phải hướng tới giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước hay thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, như trường hợp CPH Vietnam Airlines” - báo cáo chỉ rõ.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn: việc CPH các DNNN hơn 20 năm qua, nhìn số lượng thấy tốt nhưng đi vào cụ thể thì có vấn đề vì tỉ trọng CPH rất thấp, thậm chí có tập đoàn chỉ bán dưới 5%. “Nếu CPH như vậy đã coi như xong cổ phần thì không có gì thay đổi về tổ chức bộ máy, nhân sự, quy trình xét duyệt vẫn như cũ” - ông Vinh nói.

Báo cáo của Văn phòng Tony Blair công bố cũng khuyến cáo quá trình tư nhân hóa có thể bị cản trở nếu kinh tế vĩ mô yếu kém hoặc Chính phủ thiếu chuyên nghiệp về kỹ thuật và thiếu năng lực để thúc đẩy cải cách.

Xem lại những cải cách không bị phản đối

Tại hội thảo, cựu thủ tướng Tony Blair đã trả lời một số câu hỏi.

Ông ĐINH VĂN ÂN (trợ lý kinh tế Tổng bí thư): Ông nhìn nhận thế nào về vai trò DNNN trong điều tiết khi nó được sử dụng như một công cụ của nhà nước can thiệp vào thị trường? Các nước có giao DNNN chức năng xã hội, như giải quyết xóa đói giảm nghèo không?

Ông Tony Blair: Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nếu các bạn không thể thay đổi, chắc chắn các bạn sẽ bị bỏ lại đằng sau. Nhắm mắt lại, tôi có thể nhớ lại thời gian khi tôi còn là thủ tướng Anh, khi tư nhân hóa Công ty Viễn thông Anh, tôi phải đứng suốt đêm ở Quốc hội giải trình.

Một trong những vấn đề tranh cãi là khi tư nhân hóa các DNNN có chức năng xã hội, như các công ty điện, nước... là dịch vụ thiết yếu của cuộc sống. Người dân nói nếu tư nhân hóa, làm sao bảo vệ chức năng xã hội của doanh nghiệp? Nhưng nhà nước không nhất thiết sở hữu doanh nghiệp để bảo vệ người dân...

Nếu nhìn vào bức tranh lớn, có bài học rõ ràng: 30 năm qua các nước mở cửa hơn, khu vực DNNN sở hữu ít hơn. Các nước áp dụng mô hình này thì hiệu quả tốt hơn các nước không làm. Nên vấn đề giờ là làm thế nào hiệu quả, chứ không phải có làm hay không.

* Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Cải cách bị đảng đối lập phản đối thì rõ rồi. Nhưng nếu có chống đối ngay trong đảng cầm quyền thì xử lý thế nào? Hiện chúng tôi đang bàn thành lập cơ quan quản lý DNNN. Nên giao các bộ quản lý hay giao cho một cơ quan?

- Sự chống đối thì thay đổi nào cũng có, vượt qua thế nào? Như cải cách giáo dục, tôi chọn trường được nhận định là yếu kém. Tất nhiên họ vẫn chống đối. Nhưng lựa chọn nơi bắt đầu đúng sẽ thể hiện được kết quả tốt. Khi thấy thiết thực sẽ chỉ cho mọi người thấy để tiếp tục.

Còn cải cách mà không ai chống đối, la hét thì đó là cải cách kém. Khi chúng tôi cải cách lương hưu, tôi không nghe bất cứ phản đối nào trong hai năm. Tôi bảo phải xem lại. Và chúng tôi phải cải cách tiếp. Họ la hét ngay. Đó mới là cải cách thật.

Còn việc cơ quan trung ương hay bộ chuyên ngành quản lý DNNN, theo tôi, không quan trọng bằng người lãnh đạo có thật sự đổi mới không. Không cần thật nhiều người thúc đẩy cải cách nhưng cần chọn đúng người để thúc đẩy cải cách, để khi có sự phản đối, họ có cách vượt qua.

* Nguyên thứ trưởng Bộ KH-ĐT CAO VIẾT SƠN: Ở Na Uy, khu vực DNNN rất lớn, nhưng họ vẫn phát triển cao?

- Na Uy có khu vực tư nhân rất mạnh, chiếm phần lớn trong nền kinh tế. Khu vực nhà nước cũng lớn. Đây là trường hợp riêng biệt. Kể cả mô hình này, việc quản lý vẫn độc lập khỏi chính phủ.

Có một quan điểm luôn gây tranh cãi là nhà nước chỉ có thể bảo vệ lợi ích của người dân nếu như quản lý doanh nghiệp. Nhưng phải xem các kinh nghiệm, không phải lúc nào nhà nước cũng là người bảo vệ tốt nhất lợi ích người dân. Vai trò chính phủ là quan trọng nhưng họ không thể quản lý doanh nghiệp tốt được. Nhưng nhà nước có thể đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ quy định. Đấy mới là quan trọng.

VN từng có 12.000 DNNN, bây giờ có ai nói cần quay lại thời 12.000 DNNN không? Vậy cách làm là phải đẩy nhanh hơn vì thấy rõ lợi ích rồi. Có rất ít nước những năm 1960 còn ở thế giới thứ ba (tức kém phát triển) mà nay đã là nước phát triển hàng đầu. Mà các nước này, điểm chung là họ mở cửa, chuyển vai trò nhà nước sang điều tiết chiến lược, mở rộng khu vực tư nhân, không lưỡng lự đưa ra ý tưởng mới.

Theo Báo Bizlive

: