Các khách mời tham dự Tọa đàm với chủ đề: “Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 06/10 nhận định, sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), những lợi ích nổi bật đã được thể hiện rõ ràng qua kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Các khách mời tham dự Tọa đàm “Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 06/10/2023.
Lợi ích hai chiều
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển đầu tư của EU bởi môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và lợi thế tiếp cận các thị trường trên thế giới.
Đặc biệt, việc tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA để thu hút đầu tư và tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp EU giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất và gia tăng giá trị sản phẩm, thương hiệu của mình.
Theo ông Khanh, hiện nay khá nhiều doanh nghiệp EU tích cực chia sẻ những công nghệ hay kỹ thuật sản xuất với các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, với Tập đoàn Piaggio (Italia), các sản phẩm xe máy thương hiệu Piaggio hay Liberty hiện có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80% - 90% và theo ước tính có khoảng gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đang là nhà thầu phụ cung cấp cho Piaggio.
Tập đoàn Bosch của CHLB Đức cũng là một nhà đầu tư đã xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam, đào tạo cho các nhân nhân viên và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
“Đấy là những mô hình điển hình cho thấy doanh nghiệp EU rất quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ hay nâng cao trình độ của các cán bộ, công nhân người Việt Nam để làm sao có lợi ích hai chiều. Đối tác Việt Nam có tiêu chuẩn tốt, tiêu chuẩn cao và có nhân lực tốt rõ ràng họ cũng được lợi”, ông Khanh nhấn mạnh.
Ông Ngô Chung Khanh cho biết, hiện nay khá nhiều doanh nghiệp EU tích cực chia sẻ những công nghệ hay kỹ thuật sản xuất với các doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng quan điểm này, ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, trên thực tế, các doanh nghiệp EU đã hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam từ rất lâu và EU cũng là thị trường quan trọng nhất chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam. Tất cả những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều đã có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên chủ yếu trong khâu trồng, mua cà phê nhân chưa qua chế biến.
Với lộ trình giảm thuế theo EVFTA đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0% tạo điều kiện cho khâu chế biến và nâng cao giá trị cũng như kim ngạch cà phê Việt Nam bán vào EU.
“Thời gian qua, những máy móc, thiết bị liên quan đến chế biến cà phê của EU đều có mặt tại Việt Nam bởi máy chính trong dây chuyền sản xuất thường được các doanh nghiệp nhập từ Đức, Đan Mạch… mới đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu đối với cà phê chế biến”, ông Lương Văn Tự cho hay.
Ông Lương Văn Tự cho biết, các doanh nghiệp sản xuất cà phê hiện nay đều nhập máy chính trong dây chuyền sản xuất từ các nước EU như: Đức, Đan Mạch… mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu đối với cà phê chế biến.
Là doanh nghiệp giao thương, bán hàng vào hầu hết 27 nước thành viên EU với thị phần chiếm từ 45% - 55% trên tổng doanh thu khoảng 250 triệu USD/năm, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cũng cho rằng, hợp tác kết nối với doanh nghiệp EU mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ nhất, EU là một trong những nhà nhập khẩu đi đầu trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững. Nếu hợp tác và đáp ứng các yêu cầu của đối tác EU, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và phát triển tốt so với những nguồn cung khác của thế giới. Khi xuất khẩu được sản phẩm vào EU thì chúng ta có thể xuất đi được rất nhiều thị trường khác trên thế giới, bởi nhiều nhà nhập khẩu như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… cũng lấy tiêu chuẩn của EU.
Thứ hai, khi chúng ta có hiệp định với EU, hệ thống ngân hàng hay các tổ chức bảo hiểm, các công ty tài chính của EU sẽ cung cấp tín dụng cho các nơi mua hàng. Ví dụ, Việt Nam mua hàng của EU có thể được hưởng lợi từ các hệ thống tín dụng.
Thứ ba, máy móc, công nghệ của EU tốt, hiện đại.
“Phúc Sinh Group đã nhập khẩu các máy móc của EU phục vụ chế biến, sản xuất và xuất khẩu ngược lại sản phẩm sang EU mang lại những lợi ích hai chiều rất tuyệt vời. Khi chúng ta sử dụng máy móc, thương hiệu từ EU thì dường như các nhà nhập khẩu của Châu Âu như Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Ý, Pháp, Áo… dễ chấp nhận hàng hóa của chúng ta hơn, đặc biệt là những hàng chế biến sâu trong ngành thực phẩm”, ông Thông chia sẻ.
Sau 3 năm thực thi EVFTA, tỷ lệ hàng thành phẩm, hàng chế biến sâu mà Phúc Sinh Group xuất sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22%.
Ông Phan Minh Thông chia sẻ, khi Phúc Sinh Group sử dụng máy móc thương hiệu từ EU dường như các nhà nhập khẩu của Châu Âu như Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Ý, Pháp, Áo… dễ chấp nhận hàng hóa của doanh nghiệp hơn.
Làm gì để tăng liên kết với doanh nghiệp EU?
Để liên kết, hợp tác đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp EU, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, phải nâng tầm doanh nghiệp Việt lên để chúng ta tham gia được vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ và các liên kết làm ăn, hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, đầu tư về công nghệ, chất xám, con người để có thể hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng.
Bên cạnh đó, muốn tham gia vào chuỗi giá trị đó phải có sự chủ động từ phía các doanh nghiệp Việt Nam. “Chúng ta không phải đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho tôi đi hoặc chúng ta đứng ở một tư thế thấp hơn. Tôi nghĩ rằng dần dần các doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao khi mà bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài là hợp tác trên một tinh thần bình đẳng, có thấp hơn thì cũng không thấp hơn nhiều”, ông Toàn chia sẻ.
Một điều quan trọng là phải tạo được hiệu ứng lan tỏa của các nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước để chúng ta thu được những lợi ích kép, tức là vừa tham gia chuỗi giá trị mang lại giá trị, lợi nhuận, vừa hỗ trợ phát triển được nguồn nhân lực…. cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, đầu tư về công nghệ, chất xám, con người để có thể hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng.
Trong khi đó, theo ông Ngô Chung Khanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý 05 điểm.
Thứ nhất là tư duy. Các doanh nghiệp phải xác định làm với EU là làm chuẩn, bài bản, phải cùng một tư duy với họ, cùng một đẳng cấp với họ. Chúng ta có thể chưa nhất thiết phải đẳng cấp như họ về trình độ công nghệ hay tài chính nhưng phải cùng đẳng cấp tư duy, tức là cùng một tư duy, cùng một cách làm. Đó là điều quan trọng đầu tiên. Nếu chúng ta còn suy nghĩ rằng làm ăn theo kiểu không cần bài bản thì việc tiếp cận để có kết nối với doanh nghiệp EU tương đối khó.
Thứ hai phải tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Những thương hiệu như made in EU là một bảo chứng về chất lượng trên toàn thế giới. Nếu chúng ta làm với họ, chúng ta muốn tham gia chuỗi cung ứng của họ thì trình độ quản trị, trình độ kỹ thuật của chúng ta phải tăng lên.
“Thực tế chứng minh như anh Thông của Phúc Sinh Group có chia sẻ doanh nghiệp nhập khẩu các máy móc từ EU và và khi thấy rằng sản phẩm của anh làm từ máy móc nhập từ EU, đối tác tin tưởng hơn”, ông Khanh dẫn chứng.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần chú ý nâng cao trình độ quản trị và đặc biệt phải rất quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ. Sắp tới những quy định của EU như đạo luật chuỗi cung ứng sẽ áp dụng. Đây là đạo luật bắt buộc áp dụng với nhà nhập khẩu EU, nhưng nhà nhập khẩu lại có trách nhiệm giám sát các nhà cung cấp cho mình, trong đó có các doanh nghiệp từ Việt Nam.
Thứ tư, cần quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng là một điểm mạnh trong EVFTA, bởi vì quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA cao hơn hiệp định TRIPS của WTO và đấy là một điểm thuận lợi. Thuận lợi vì các doanh nghiệp EU tin tưởng rằng khi giao thương với doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu của họ, công nghệ của họ chia sẻ sẽ được đảm bảo, không lo rằng có gì rò rỉ hay bị đánh cắp công nghệ.
Cuối cùng nhưng rất quan trọng đó là các doanh nghiệp phải quan tâm đến lao động và môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều rất quan trọng bởi vì Hiệp định EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững và không chỉ các doanh nghiệp EU hay các cơ quan quản lý mà người tiêu dùng EU cũng rất quan tâm đến vấn đề lao động, phát triển bền vững.
“Đó là 5 điểm mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý và nếu chúng ta làm được thì cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng của EU trong thời gian tới sẽ rất lớn”, ông Khanh nhận định.
Nguồn: baomoi.com