Cuộc trao đổi trực tiếp giữa tân Tổng Lãnh sự Madan Mohan Sethi, Lãnh sự quán Ấn Độ với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã mở ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực hàng đầu của Ấn Độ như dược phẩm, dệt may, CNTT.
Sáng nay (11/9), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), GS.TSKH Nguyễn Mại đã có buổi làm việc với tân Tổng Lãnh sự Madan Mohan Sethi, Lãnh sự quán Ấn Độ về chủ đề "Thúc đẩy đầu tư, thương mại Ấn Độ vào Việt Nam giai đoạn mới".
Mở đầu cuộc trao đổi, Tổng lãnh sự Ấn Độ chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ chủ yếu dừng ở quan hệ thương mại, còn đầu tư khá ít, các dự án lại chủ yếu đi qua nước trung gian là Singapore. Trong 5 năm tới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư Ấn Độ trực tiếp vào Việt Nam mạnh mẽ hơn bằng các sự kiện xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp 2 nước. Kế hoạch cụ thể của Lãnh sự quán là trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2020 sẽ tổ chức khoảng 10 sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM
Ông Madan Mohan Sethi cho biết, một số lĩnh vực được coi là thế mạnh và sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư vào Việt Nam sắp tới là dược phẩm (Ấn Độ được coi là xưởng dược của thế giới). Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Ấn Độ với số lượng lớn đang quan tâm tới thị trường Việt Nam và mong muốn có thông tin về thị trường Việt Nam.
Đáp lại yêu cầu của Tổng lãnh sự Ấn Độ, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh, Ấn Độ và Việt Nam vốn có quan hệ hợp tác lâu đời và Ấn Độ không chỉ có thế mạnh trong lĩnh vực dược phẩm, mà dệt may, công nghệ thông tin cũng là những lĩnh vực rất phát triển. Việt Nam đang rất mong nhận được đầu tư từ Ấn Độ trong các lĩnh vực này. Vấn đề hiện nay là làm sao để kết nối doanh nghiệp 2 nước, giúp doanh nghiệp Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Về lĩnh vực dược phẩm, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam mới ký một loạt các FTA mới. Trong đó, đáng chú ý có EVFTA coi dược phẩm là lĩnh vực ưu tiên xuất khẩu vào EU với ưu đãi cao. "Việt Nam có những xí nghiệp dược phẩm lớn, hoàn toàn có thể hợp tác với Ấn Độ. VAFIE sẽ giúp giới thiệu, kết nối những doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu trong nước để kết nối với các doanh nghiệp dược phẩm tương ứng của Ấn Độ đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam".
Thứ 2 là trong lĩnh vực dệt may. Tại EVFTA, Việt Nam được hưởng nguyên tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang EU với các sản phẩm từ "sợi" thuế suất sẽ bằng 0. Vì vậy, nếu Ấn Độ có những dự án sản xuất từ sợi, dệt, nhuộm tại Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ là có lợi cho cả 2 nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ sản xuất từ sợi có thể làm khu công nghiệp chuyên biệt, liên kết với Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ được Việt Nam ưu tiên trong một vài năm sắp tới.
Lĩnh vực thứ 3 được Việt Nam ưu tiên hiện nay là chuyển đổi số, kinh tế số. Ngày 27/7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế số với mục tiêu cụ thể, năm 2025 sẽ phải có 20% nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế số. Đây là 1 chương trình lớn, đầy hứa hẹn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, AI, Big Data, phát triển lĩnh vực phần mềm. Nếu có một chương trình hợp tác giữa 2 bên trong lĩnh vực chuyển đổi kinh tế số sẽ là rất thuận lợi.
Cuối cùng, GS.TSKh Nguyễn Mại đồng tình với Tổng lãnh dự Ấn Độ là nên khuyến khích các DNNVV của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam. "Hiện nay Việt Nam có khoảng 30.000 dự án đầu nước ngoài thì có khoảng 80% là DNNVV. Ngay cả các dự án từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan thì DNNVV cũng chiếm phần chủ yếu. Mới đây Nhật Bản cũng đã có chọn ra 30 DNNVV để đầu tư vào các nước ASEAN. Mỗi doanh nghiệp được Chính phủ hỗ trợ 1 khoản tiền nhất định khi đầu tư vào các nước ASEAN. Trong danh sách 30 doanh nghiệp ấy thì 15 doanh nghiệp đã chọn đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ nên coi đây là kinh nghiệm khi Chính phủ Ấn Độ muốn thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam nhanh và hiệu quả hơn", GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Đáp lại đề xuất của Chủ tịch VAFIE, ông Madan Mohan Sethi hoàn toàn đồng ý với những lĩnh vực được cho là lợi thế và nên thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
"Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam thời gian qua khá rải rác, chưa có hệ thống. Vì vậy, thời gian tới Lãnh sự quán rất mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ với trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam triển khai xúc tiến đầu tư thương mại ở các lĩnh vực lợi thế nêu trên. Trong các buổi hội thảo trực tuyến sẽ triển khai thời gian tới, Lãnh sự quán Ấn Độ rất mong sự có mặt của các doanh nghiệp hàng đầu, cùng với đó là lãnh đạo các bộ ngành liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế,... của Việt Nam để các doanh nghiệp Ấn Độ hiểu rõ về quan điểm và môi trường đầu tư tại Việt Nam", Tổng lãnh sự Ấn Độ nhấn mạnh.
Nguồn:Nhàđầutư