Nhìn lại chặng đường gần 10 năm hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam

24/12/2016  
31

Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có cơ sở truyền thống lịch sử lâu đời. Từ năm 1991, Ấn Độ đã xây dựng “chính sách hướng Đông” để tận dụng sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á, giúp cả hai cùng có lợi.

Trong chính sách này, Việt Nam luôn đóng một vai trò quan trọng đối với Ấn Độ. Năm 2007, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Nhưng hải đến khi hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Ấn Độ có hiệu lực vào năm 2010, quan hệ hợp tác thương mại – kinh tế giữa hai nước mới có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2013, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh, mặc dù Việt Nam vẫn nhập siêu từ Ấn Độ, tuy nhiên chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước được thu hẹp đáng kể.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ giai đoạn 3 năm từ 2011-2013 (5,7 tỷ USD) cao gấp 5 lần kim ngạch giai đoạn 2007-2009 (1,13 tỷ USD).

Xuất khẩu tăng trưởng ổn định hơn trong giai đoạn sau khi FTA có hiệu lực, năm 2010 tăng 136%, năm 2011 tăng 56%, năm 2012 tăng 15% và năm 2013 tăng 32%, tốc độ tăng trưởng trung bình 35%/năm, cao hơn so với các thị trường khác khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Chỉ riêng trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ chiếm xấp xỉ ¾ tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nam Á.

Xét về nhập khẩu, Ấn Độ luôn duy trì vị trí trong danh sách 10 quốc gia có tổng kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 2% tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của cả nước.

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam

Cụ thể, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện thoại, máy vi tính, máy móc, hóa chất, cao su… theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam

 Kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 1,6% tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng chủ yếu bao gồm máy móc – thiết bị, thủy sản, phân bón, bông, ô tô nguyên chiếc…

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm hợp tác kinh tế Ấn Độ - Việt Nam

Về đầu tư, tính đến tháng 12/2015, Ấn Độ có 118 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn  439,72 triệu USD, đứng thứ 28/110 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam, theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài.

Nổi bật trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam phải kể đến dầu khí.

Hiện, lĩnh vực năng lượng - khai thác dầu khí được coi là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của Việt Nam. Năm 2015, ngành dầu khí đóng góp 115,1 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm 17% GDP.

Trong khi đó, dầu khí lại là điểm yếu của Ấn Độ, khi nước này phải phụ thuộc 70% lượng dầu khí vào các nước Trung Đông.

Ngoài ra, các dự án lớn của Ấn Độ tại Việt Nam có thể kể đến như dự án công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng tại TP.HCM với tổng vốn đầu tư đạt 47,6 triệu USD; dự án công ty TNHH Quốc tế Unilever tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD; dự án công ty TNHH Bohra Industries tại Nghệ An với tổng vốn đầu tư 24 triệu USD,…

Mặc dù vậy, giá trị thương mại và hợp tác giữa hai bên vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng.

Lãnh đạo hai nước đã thống nhất mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt mốc 15 tỷ USD. Đây sẽ là mốc son để kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược.

LỀ PHƯƠNG

: