So sánh nhân lực Việt Nam với thế giới
Với hàng chục ngàn dòng thuế sẽ được cắt giảm về mức 0% theo lộ trình, dệt may, da giày, thủy sản nằm trong nhóm ngành nghề được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Từ đầu năm đến nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cả nước đạt hơn 8,7 tỷ USD, trong đó dệt may chiếm đến 30% số vốn này. Hiện nay, với khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may và trên 2,5 triệu lao động trực tiếp, gần 2 triệu lao động gián tiếp (trong các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển…), đến năm 2025, thị trường lao động ngành dệt may được dự báo rất nóng. Lực lượng lao động ngành dệt may phải nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhờ TPP, ngành dệt may dự kiến tạo ra doanh thu xuất khẩu 27,5 tỷ USD trong năm nay, sẽ tăng lên 31 tỷ USD năm tiếp theo và đạt từ 45-50 tỷ USD vào năm 2020. Còn theo tính toán của Bộ Công Thương, mỗi tỷ đô la xuất khẩu dệt may hàng năm có thể tạo ra khoảng 250.000 việc làm; nghĩa là từ nay đến năm 2020, ngành dệt may dự kiến tạo ra hơn 5,6 triệu việc làm. Thay đổi tư duy nhân sự Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Điều hành Công ty Talentnet, xác nhận xu thế thay đổi trong tư duy quản trị của các tập đoàn Việt Nam hậu hiệp định TPP. Nếu như trước đây, dịch vụ tư vấn tái cấu trúc nguồn nhân lực được quan tâm chủ yếu bởi khối doanh nghiệp FDI và nhóm hàng tiêu dùng nhanh thì năm nay, số đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Việt về dịch vụ này đã tăng vọt. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực mía đường, dược phẩm và khối sản xuất (dệt may, cảng biển…) đã giúp doanh thu của Talentnet tăng khoảng 150% so với năm 2014. Trên bình diện chung, chất lượng lao động không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập qua TPP cho các doanh nghiệp trong nước, do trình độ chuyên môn kỹ thuật còn quá thấp. Dù liên tục tăng năng suất lao động trên bảng xếp hạng, song năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/6 của Malaysia, 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Như vậy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc diện thấp so với khu vực.“Doanh nghiệp muốn thành công bền vững, trong bất kỳ mô hình kinh doanh nào, thì không thể tách khỏi chiến lược quản trị nhân sự“, bà Yến Trinh khẳng định dựa trên gần 20 năm kinh nghiệm tham gia thị trường nhân sự. Nhưng chiến lược quản trị nhân sự thành công chỉ khi nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ “tam trụ”, gồm lãnh đạo, quản lý và văn hóa doanh nghiệp.
Mô hình kim tự tháp 5 bước làm kinh tế doanh nghiệp
Theo ông Trung, khoa học quản trị doanh nghiệp đã tổng kết ra 5 nấc thang làm kinh tế bằng quản trị. Trong đó làm kinh tế bằng tài sản tri thức của đội ngũ nhân sự là nấc thang thứ 3. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp giỏi sẽ biết cách tạo giá trị thặng dư dựa trên tập hợp, phát huy sức mạnh tri thức của nhân viên, vốn là tài sản vô hình có chi phí đầu tư ít nhất. Trước khi làn sóng cạnh tranh nguồn nhân sự TPP xảy ra, thị trường đã xuất hiện xu hướng thuê giám đốc sản xuất từ Philippines, kỹ sư IT và tài chính từ Ấn Độ, quản lý khách sạn từ châu Âu.
Về năng suất lao động, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từng nhận xét: Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế, bởi vẫn cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ, chứ không phải cạnh tranh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo như Singapore hoặc yếu tố hiệu quả như Hàn Quốc, Malaysia. Có thể trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, nhân công rẻ sẽ không còn là thế mạnh của Việt Nam, khi “binh đoàn robot”, dây chuyền tự động hóa dần thay thế con người và nguồn cung lao động của các nước trong khu vực được tự do trao đổi.
Theo Nhịp cầu Đầu tư