Ông lớn điện tử thế giới dồn về Việt Nam

24/12/2016  
49

Ngay sau khi chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm Nokia - hãng sản xuất điện thoại vang bóng một thời của Phần Lan, Tập đoàn Microsoft đã thông báo thay đổi chiến lược cho toàn bộ hoạt động sản xuất của Nokia.

Theo một công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh, Microsoft sẽ tiến hành đóng cửa toàn bộ, hoặc một phần 4 nhà máy sản xuất điện thoại smartphone Nokia tại Hungary, Trung Quốc và Mexico. Tổng cộng có 39 dây chuyền sản xuất tại 4 nhà máy này sẽ được chuyển về nhà máy Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh.

“Với sự thay đổi chiến lược này, nhà máy Nokia tại Bắc Ninh sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc sản xuất thiết bị di động của Microsoft”, UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh trong công văn.

Thực tế, việc chuyển giao dây chuyền công nghệ về Việt Nam đã được tiến hành từ tháng 5/2014 và dự kiến hoàn tất vào tháng 2/2015. Thông qua việc chuyển giao dây chuyền sản xuất này, Việt Nam sẽ là địa điểm chính sản xuất các sản phẩm điện thoại smartphone mới nhất của Nokia, thay vì chỉ sản xuất các mẫu điện thoại di động giá rẻ như hiện nay.

Ngoài Microsoft, Wintek - công ty sản xuất các sản phẩm màn hình cảm ứng hàng đầu trên thế giới có trụ sở tại Đài Loan - cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, nơi Wintek đang vận hành một dự án sản xuất với tổng vốn 1,2 tỷ USD, công ty này đã báo cáo về kế hoạch đầu tư giai đoạn II tại Bắc Giang với tổng vốn tương đương mức đầu tư của giai đoạn I. Điều này có nghĩa rằng, Wintek sẽ tiếp tục bơm ít nhất 1 tỷ USD nữa vào giao đoạn II của Dự án, trên diện tích rộng 100 ha.

Đây không phải là lần đầu tiên, Wintek quyết định tăng vốn tại Việt Nam. Trước đó, năm 2012, tập đoàn này đã nâng tổng vốn đầu tư giai đoạn I của nhà máy tại Bắc Giang từ 250 triệu USD lên 1,2 tỷ USD. Với mức đầu tư trên, Wintek dự kiến cần tới 51.000 lao động Việt Nam làm việc trong nhà máy tại Bắc Giang.

Ông Jay Huang, người phát ngôn của Tập đoàn Wintek không trả lời email phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư trong tuần trước, khi được hỏi cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bản báo cáo tài chính của Wintek năm 2013, tập đoàn này thông báo đã tiến hành “dịch chuyển các công đoạn thâm dụng lao động sang Việt Nam, nhằm đối phó với chi phí lao động đang gia tăng tại Trung Quốc”.

Bắt đầu từ dự án sản xuất 1 tỷ USD của Intel tại TP.HCM năm 2006, trong gần một thập kỷ qua, Việt Nam đã liên tiếp thu hút được rất nhiều dự án đầu tư từ những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất điện tử, như Nokia, Samsung Electronics hay LG Electronics.

“Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu đối với các công ty công nghệ trên toàn cầu”, ông David Lockwood, Giám đốc Điều hành của Laird - công ty công nghệ có trụ sở tại Anh, phát biểu nhân dịp công ty này khai trương nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh tháng 6 năm nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung Electronics là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất điện tử tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD tại hai trung tâm sản xuất Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Việc nhiều công ty điện tử toàn cầu khác như Microsoft, Wintek hay LG quyết định mở rộng đầu tư cho thấy, Samsung không phải là công ty điện tử duy nhất quyết định chọn Việt Nam là địa điểm sản xuất chính.

Ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó tổng giám đốc điều hành Reed Tradex - công ty chuyên tổ chức triển lãm công nghiệp tại khu vực Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào chuỗi sản xuất điện tử toàn cầu.

“Rất nhiều khách hàng của chúng tôi bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam. Xét về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện tử, tại Đông Nam Á, tôi cho rằng, Việt Nam đang xếp thứ nhất, tiếp theo là Indonesia và thứ ba là Thái Lan”, ông Duangdej nói.

Ngọc Linh(Báo đầu tư)

: