Phải có một thể chế chính trị bao dung

23/12/2016  
43

Trong Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng, có mấy điều tôi rất tâm đắc.

Trước hết, bên cạnh việc đánh giá về thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng đã nhấn mạnh việc cần phải có những cải cách nhanh hơn vì những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong 30 năm qua đã gần như tới hạn.

Nhân đọc Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, tôi muốn nhắc đến mấy con số thế này.

Về dân số, kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986, Việt Nam có khoảng 65 triệu dân, đến năm 2013 là 90 triệu người và dự báo đến năm 2015, khoảng 91,5 triệu người. Có nghĩa là trong vòng hơn 20 năm qua, dân số của Việt Nam đã tăng thêm 25 triệu người. Quy mô dân số đã rất khác. Một quốc gia có sân số 90 -100 triệu người là thuộc diện đông dân số.

Cùng với tăng dân số, thì GDP bình quân đầu người cũng tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng 140 USD/người/năm vào năm 1992 lên 1.960 USD/người/năm vào năm 2013. Trong số này, tầng lớp giàu chiếm khoảng 10% dân số Việt Nam, có tác động lớn tới tiêu dùng của thị trường. Sự thay đổi cả về quy mô dân số và quy mô nền kinh tế ở một cung bậc cao như vậy đòi hỏi chúng ta phải đổi mới thể chế. Nhiều vấn đề chỉ phù hợp quy mô nền kinh tế cũ, giờ không còn phù hợp quy mô mới nữa.

Một điểm khác, Thủ tướng nêu ra những vấn đề trước đây đã nói, nhưng giờ tổng kết gần 30 năm Đổi mới, cần phải nói thêm, đó là làm thế nào cho các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường bình đẳng, không có phân biệt đối xử, làm sao để các doanh nghiệp được hoạt động trong khuôn khổ những gì mà Nhà nước không cấm. Trong khi đó, công chức Nhà nước chỉ được làm những gì mà Nhà nước cho phép. Đây là ý tưởng từ lâu rồi và bây giờ nhấn mạnh lại, để bắt đầu một thời kỳ phát triển mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, trong hội nhập quốc tế bây giờ, chúng ta phải coi trọng hơn nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi vì so với các nước thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam, từ năng lực cạnh tranh quốc gia đến cạnh tranh sản phẩm đều ở trình độ thấp hơn họ. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, phải thay đổi thể chế, cạnh tranh bằng công nghệ, bằng nguồn nhân lực chất cao.

Thủ tướng cũng đã lấy tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ để nhấn mạnh vai trò của dân chủ trong tiến trình phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày lập nước đã coi trọng vai trò của Nhân dân, kể cả trong chiến tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong phát triển kinh tế và nhấn mạnh vai trò dân chủ của Nhân dân. Đảng ta cũng đã khẳng định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thông điệp này rất phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, bởi mặc dù đã được nói đến nhiều, nhưng trên thực tế, vẫn có tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng.

Thông điệp của Thủ tướng đã bày tỏ một cách rõ ràng, phải có một cố gắng cao hơn để chúng ta giải được bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội nhưng đồng thời cũng phải có được tốc độ tăng trưởng hợp lý. Việt Nam đã có một thời gian dài tăng trưởng chậm, giờ có điều kiện để quan tâm hơn đến vấn đề tăng trưởng.

Mặc dù, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 và 6% trong năm 2015, nhưng đây là con số còn khiêm tốn. Nếu chúng ta tìm kiếm được các động lực tăng trưởng mới như Thủ tướng đã nói và cải cách được thể chế, thì chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Tiềm năng sẽ càng lớn hơn nếu chúng ta phát huy được nguồn lực của dân, kể cả trí lực, tài lực, rồi cả tài kinh doanh của người dân, khoa học - công nghệ của người Việt Nam, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên…

Đặc biệt, Thủ tướng đã nói tới những điều kiện mới về hội nhập quốc tế, như tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hội nhập sâu hơn vào quốc tế… Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể tăng trưởng cao hơn.

Theo cách hiểu của tôi, vấn đề đổi mới thể chế mà Thủ tướng nói đến không chỉ có nghĩa là đổi mới về thể chế kinh tế, mà kể cả đổi mới về thể chế chính trị. Nói tới dân chủ chính là nói về đổi mới thể chế chính trị.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ đổi mới thể chế kinh tế thì tăng trưởng chỉ đạt đến một giới hạn nhất định thôi. Đến một mức nào đấy, chúng ta buộc phải đổi mới thể chế chính trị.

Tôi không nghĩ tới việc đa nguyên, đa đảng như một số người vẫn nói, nhưng thực tế là trình độ dân trí của ta giờ cao hơn nhiều, những tác động bên ngoài thông qua hội nhập quốc tế cũng ngày một mạnh mẽ hơn với Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thông qua hội nhập, người dân đã được biết đến thế giới mà người dân toàn cầu đang sống, đang làm việc, đó là một môi trường dân chủ, công khai, minh bạch. Do vậy, chúng ta không thể không đổi mới thế chế.

Phải có một thể chế chính trị bao dung, làm sao để hòa hợp dân tộc, để tạo sự dân chủ cho Nhân dân, tạo điều kiện cho mọi người dân được đóng góp xây dựng đất nước. Làm được như vậy thì đấy là một động lực rất lớn để kích hoạt thể chế chính trị, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho thể chế kinh tế hoạt động tốt hơn.

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, có thể nói là những tổng kết ngắn gọn, súc tích về gần 30 năm Đổi mới, nhưng cần phải hiểu và nhìn nhận một cách toàn diện hơn, ví dụ về vấn đề cải cách thể chế. Hiểu và làm theo, thì như vậy, kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ phát triển tốt hơn, có những bước tiến mới hơn, tạo tiền đề tốt hơn cho năm 2015. Và để năm 2016, khi chúng ta Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, sẽ mở ra chương mới trong lịch sử phát triển đất nước.

GS-TSKH. Nguyễn Mại

: