Rốt ráo gỡ rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài

23/12/2016  
42

Điểm tên rào cản lớn

Cho tới thời điểm này, việc sửa đổi Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang được Bộ Công thương tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1315/VPCP-KTTH ngày 2/3/2016.

Đúng theo yêu cầu, trong tháng 7/2016 tới, dự thảo Nghị định thay thế sẽ phải được hoàn tất và trình Chính phủ theo thủ tục rút gọn.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi quy định mới liên quan đến thủ tục đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, giáo dục...

Điểm tên rào cản lớn Cho tới thời điểm này, việc sửa đổi Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang được Bộ Công thương tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1315/VPCP-KTTH ngày 2/3/2016. Đúng theo yêu cầu, trong tháng 7/2016 tới, dự thảo Nghị định thay thế sẽ phải được hoàn tất và trình Chính phủ theo thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, mối lo về khả năng chậm trễ vẫn hiện hữu, khi trên trang thông tin của Bộ Công thương, dự thảo Nghị định này chưa được công bố để lấy ý kiến.

Hơn thế, đáng lẽ công việc này đã phải hoàn tất trong tháng 12/2015, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 59/NQ-CP ban hành tháng 8/2015 về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp. Vì thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Nghị định 23 không còn phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Đây là lý do mà nhiều cơ quan đăng ký đầu tư ở địa phương liên tục có văn bản gửi Bộ Công thương để hỏi về cách xử lý với các hồ sơ đăng ký đầu tư vào lĩnh vực này của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tình thế đã buộc Văn phòng Chính phủ phải có văn bản cho phép áp dụng thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Nghị định số 23/2007/NĐ-CP trước khi Bộ Công thương hoàn tất Nghị định thay thế. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ phải nghiên cứu việc quy định sở công thương, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao có thẩm quyền thực hiện cấp, cấp lại, điều chỉnh các giấy phép trên trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế này…

Đương nhiên, hệ lụy kéo theo là tinh thần “tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư”, giảm thiểu thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư của Luật Đầu tư bị ảnh hưởng. Ngay trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016 vào cuối tháng 4 vừa rồi, ông Taiji Yanai, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã phải đăng đàn nhắc lại công việc này.

“Chúng tôi thực sự hy vọng các quy định về đến pháp luật về đầu tư, thủ tục thông quan… trong Nghị định 23 được nhanh chóng sửa đổi, đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và công bằng”, ông Taiji Yanai trực tiếp kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng với Nghị định 23, các quy định pháp luật về lao động, sử dụng lao động là người nước ngoài, các quy định về làm thêm giờ cũng được điểm tên trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, ông Taiji cũng hy vọng rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có địa chỉ để kiến nghị các vướng mắc của doanh nghiệp để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Cam kết bảo đảm quyền kinh doanh

Không chỉ riêng Nghị định 23 được nhắc tới như là một rào cản cần phải gỡ ngay trong thủ tục đầu tư liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.

Trong dự thảo Nghị quyết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2020 đang được Văn phòng Chính phủ hoàn tất để ban hành sớm theo ý kiến của các thành viên Chính phủ trong phiên họp đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các thủ tục đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Thời gian trình Chính phủ đang được đề nghị là quý IV/2016.

Chưa tính đến các điều kiện đầu tư trường học, mà ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từng bình luận là phức tạp và khó lý giải đến mức “không có Harvard nào đến Việt Nam cả, bởi các trường lớn không chấp nhận những thủ tục này”, yêu cầu giải trình kinh tế - kỹ thuật; đề án tiền khả thi (Điều 33) và lấy ý kiến của các bộ, sở ngành có liên quan (Điều 34) là thủ tục phải thực hiện để thẩm tra điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư đã không còn phù hợp với quy quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận của Luật Đầu tư.

Những xung đột với các văn bản ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực này đang ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực thi các quy định của Luật Đầu tư. Đã có một số ý kiến đề nghị coi các thủ tục và điều kiện chuyên ngành đó như giấy phép hoạt động, được thực hiện tách biệt và sau thủ tục đầu tư, thủ tục thành lập doanh nghiệp (đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp mới). Tuy nhiên, nếu việc hoàn thiện các văn bản trên chậm hơn nữa, thì các doanh nghiệp dù có được thành lập cũng không đủ điều kiện để hoạt động ngành nghề mong muốn.

Đây là lý do một loạt đầu việc tương tự đang được dự thảo Nghị quyết này giao cho các bộ, ngành để thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính về đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó, đương nhiên của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu trước hàng ngàn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016 đã gọi “tất cả đều là doanh nghiệp Việt Nam”.

Nhưng, tách riêng một số việc liên quan trực tiếp đến đối tượng điều chỉnh là nhà đầu tư nước ngoài, Dự thảo Nghị quyết đang yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn, hợp chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát quy định về lao động là người nước ngoài theo cơ chế thị trường và quyền tự quyết định của doanh nghiệp…

Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết đang yêu cầu các bộ, ngành rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với quyền kinh doanh và tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗigiá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.

Phải nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, Chính phủ sẽ hành động để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp với hệ thống cơ quan nhà nước, niềm tin vào sự phát triển lành mạnh, công bằng và minh bạch thị trường.

“Chính phủ, các cơ quan chức năng phải bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập thì mới có nhiều sản phẩm mang thương hiệu made in Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ cam kết.

Khánh An(Báo Đầu tư)

: