Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Châu Á và Việt Nam

24/12/2016  
84

Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đặc biệt các quốc gia trong khu vực vốn có trình độ, văn hóa tương đồng, Việt Nam có thể rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về thu hút nguồn vốn đâùtư trực tiếp nước ngoài.

Kinh nghiệm từ các quốc gia châu Á

Là một trong các quốc gia đi lên từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), quá trình thu hút nguồn vốn FDI của Trung Quốc được chia là 3 giai đoạn chính: giai đoạn thăm dò (1979-1985); giai đoạn tăng trưởng và ổn định (1986-1991); giai đoạn điều chỉnh tiến tới phù hợp, hiệu quả (từ năm 1992 đến nay).

Từ năm 1992 đến nay, Trung Quốc luôn là một trong những nước đứng đầu thu hút vốn FDI, trong đó riêng năm 2014, với tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký năm 2014 lên tới 128 tỷ USD và là năm đầu tiên kể từ năm 2003, Trung Quốc vượt qua Mỹ để đứng đầu danh sách quốc gia thu hút vốn FDI nhiều nhất thế giới.

Trên thực tế, để có được sự phát triển vượt bậc như hiện nay Trung Quốc đã không ngừng hoàn thiện các chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thận trọng mở cửa đầu tư, phát triển cân đối các vùng miền.

Thời gian đầu, Trung Quốc thực hiện thu hút FDI thử nghiệm ở các đặc khu kinh tế, sau đó mở rộng ra các thành phố ven biển, tạo điều kiện thuận lợi thiết lập quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, sau một thời gian chú trọng thu hút FDI về số lượng nên đã buông lỏng và thiếu kiểm soát công nghệ nhập khẩu, gây tổn hại đến môi trường, đến nay, Trung Quốc luôn yêu cầu kiểm soát công nghệ chuyển giao từ nguồn vốn FDI kèm với bảo vệ môi trường.

Giai đoạn đầu, Trung Quốc chú trọng nguồn vốn của Hoa Kiều từ Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao nhưng sau đó đã chuyển hướng lựa chọn các nhà đầu tư (NĐT) từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh…

Trong khi đó, mặc dù khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008, nhưng nguồn vốn FDI vào Singapore vẫn tăng từ 24 tỷ USD (năm 2009) lên đến mức 81 tỷ USD (năm 2014). Nhìn lại những chính sách có thể thấy, Singapore đã xác định rõ việc thu hút nguồn vốn FDI tập trung vào ba lĩnh vực cần ưu tiên là: ngành sản xuất mới, xây dựng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi thời kỳ, Singapore chủ trương thu hút FDI vào các ngành thích hợp.

Ban đầu, do cơ sở kinh tế ở điểm xuất phát thấp, Singapore chủ trương sử dụng FDI vào các ngành tạo ra sản phẩm xuất khẩu, như: dệt may, lắp ráp các thiết bị điện… sau đó hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực ngành như: sản xuất máy vi tính, điện tử, hàng bán dân dụng… Chính phủ Singapore đã tạo nên một môi trường kinh doanh ổn định, hấp dẫn cho các NĐT nước ngoài.

Thủ tục cấp giấy phép đơn giản, thuận tiện, có những dự án xin cấp giấy phép rồi đi vào sản xuất chỉ trong vòng vài tháng, thậm chí có những dự án chỉ trong vòng 49 ngày và được gọi là “kỳ tích 49 ngày” ở Singapore. Đặc biệt, Singapore đã xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn thiện, nghiêm minh, công bằng và hiệu quả, hạn chế cao nhất tình trạng tham nhũng, chạy dự án.

Đối với Malaysia, những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, Malaysia khuyến khích thu hút FDI đầu tư vào những ngành xuất khẩu bằng việc giảm thuế thu nhập tới 3 năm cho các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành được lựa chọn. Từ những năm 90 đến nay, Malaysia khuyến khích thu hút FDI vào những ngành sử dụng công nghệ cao, ít phát thải bằng việc phân loại rất rõ những ngành ưu đãi đầu tư.

Với định hướng thu hút đến những lĩnh vực mang lại giá trị thặng dư cao này, trong những năm qua, lượng vốn FDI vào Malaysia có xu hướng tăng, trong đó chỉ riêng năm 2014 đã đạt 65,4 tỷ USD, tăng cao so với con số 60,8 tỷ USD trong năm 2013.

Bài học cho Việt Nam

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, vốn FDI đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế Việt Nam thông qua huy động nguồn vốn cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, mở rộng hội nhập với thế giới...

Thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, vốn thực hiện FDI hàng năm khoảng 20 tỷ USD, chiếm trên dưới 20% trong tổng đầu tư xã hội. Ngoài ra, tại Việt Nam, những năm gần đây, các doanh nghiệp FDI đã chiếm trên 40% sản lượng công nghiệp và trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký có thể đạt 18 tỷ USD và số vốn giải ngân có thể đạt trên 12 tỷ USD. Hiện nay, Chính phủ cũng đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, công nhận FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và là nhân tố không thể thiếu đối với công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ những bí quyết của các nước châu Á như đã nêu ở trên, để đẩy mạnh việc thu hút FDI, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Nhanh chóng sửa đổi các nội dung không còn phù hợp, không đồng bộ, thiếu nhất quán, còn bất cập, chưa rõ, đồng thời bổ sung các nội dung còn thiếu. Đặc biệt, chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư phải được xây dựng theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, nhất là môi trường đầu tư phải ổn định, có tính tiên lượng và minh bạch.

Hai là, công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch đầu tư. Tập trung hoàn thiện thể chế về quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng của các quy hoạch khi phê duyệt và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch phục vụ đầu tư phát triển, phù hợp với chính sách đầu tư lâu dài của NĐT nước ngoài.

Ba là, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; lựa chọn các dự án tiềm năng hấp dẫn, có tính khả thi cao theo các lĩnh vực ưu tiên để đưa vào danh mục dự án đối tác công - tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP kêu gọi NĐT nước ngoài. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn các NĐT nước ngoài đối với một số dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có quy mô lớn, có tính lan tỏa cao và tác động tích cực đến sự phát triển chung của đất nước.

Bốn là, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm. Đặc biệt, cụ thể hóa các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ, nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các NĐT trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, đặc biệt ưu đãi cao hơn cho các doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi dự án sản xuất sản phẩm lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ so với các dự án đơn lẻ.

Năm là, cần tăng cường hỗ trợ, ưu đãi tài chính cho các NĐT đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam. Trong đó, chú trọng đổi mới chế độ quy định cho doanh nghiệp lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính theo hướng minh bạch, đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Tổ chức triển khai tốt và nghiêm túc quy chế giải quyết các yêu cầu, thủ tục hành chính cho người nộp thuế theo “cơ chế một cửa” để thuận lợi cho người nộp thuế...

Sáu là, tăng cường và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường quản lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài tại Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, cũng cần tính đến các trường hợp đặc thù và đảm bảo quản lý hiệu quả về mặt nhà nước…

Theo Tạp chí Tài Chính

: