Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành là GDP tăng trưởng 6,5% dù Quốc hội chốt 6%. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có chia sẻ với Nhadautu.vn và các cơ quan báo chí về nhiệm vụ để đạt mục tiêu này và chính sách đón các "đại bàng" FDI.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Chính phủ cho biết Quốc hội đã thống nhất mức tăng trưởng GDP năm 2021 6%. Nhưng trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành là GDP tăng trưởng 6,5%, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi, Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu này?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2021, kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến khó lường, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, do đó những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới có khả năng kéo dài sang năm 2021 và các năm tiếp theo, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu. "Cỗ xe tam mã" mà Thủ tướng Chính phủ đã đề cập là sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư. Theo đó, năm 2020 sản xuất kinh doanh đã tăng trưởng trở lại, lĩnh vực nông nghiệp phát triển tốt, giá trị tăng cao, sẽ là động lực tăng trưởng cho năm 2021.
Lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 có những đặc thù, sản lượng và diện tích giảm so với năm 2019 nhưng giá trị tăng lên. Đây là xu hướng tốt, cơ cấu lại nền nông nghiệp đúng hướng, chúng ta không quá nhìn vào sản lượng mà cần nhìn vào giá trị.
Dịch vụ nào sẽ giúp đạt tăng tưởng trong năm tới thưa ông?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2021 kỳ vọng dịch vụ sẽ tốt, tuy nhiên không phải dựa vào lĩnh vực du lịch, ăn uống nhà hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Dịch vụ đáng chú ý là dich vụ số, dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thế giới năm 2020 ghi nhận lĩnh vực công nghệ lãi rất lớn trong bối cảnh đại dịch Yếu tố xuất khẩu cũng được xem là động lực cho tăng trưởng trong, bởi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA hay RCEP mới được ký với Anh vào ngày 29/12/2020 sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩ xuất khẩu. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng nêu trên. Kết quả nổi bật của giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 khi đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng). Năm 2021 tỉ lệ giải ngân hoàn toàn có thể cao hơn với các quy định mới từ Luật Đầu tư công.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, Chính phủ đề ra những nhiệm vụ gì?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ đầu tiên là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ dịch Covid-19. Bên cạnh đó, lấy COVID-19 làm động lực để triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu gắn với phục hồi chuỗi cung cứng, phát triển chuỗi cung ứng để không bị phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiền xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại dịch COVID-19. Theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hoá mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử. Đầu tư công là một trong những động lực cho tăng trưởng, vì vậy phải tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, ban hành các quy hoạch, các dự án kết cầu hạ tầng kinh tế xã hội trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc
Nam, tập trung đầu tư mở rộng các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Chú trọng phát huy nội lực của nền inh tế, thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI đang có xu hướng dịch chuyển. Tiếp tục phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số.
Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Thủ tướng thành lập hồi tháng 6/2020 để đón sóng "đại bàng". Đến nay, tổ công tác hoạt động thế nào và kỳ vọng gì trong năm 2021?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tổ công tác đã và đang làm việc với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao nhằm thu hút những dự án chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và có sự lan tỏa. Một số nhà đầu tư lớn đến từ Pháp, Nhật Bản, Singapore… đã quan tâm và đang tìm hiểu định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, do yêu cầu bảo mật thông tin nên chưa thể tiết lộ cụ thể về các nhà đầu tư. Chúng tôi tin tưởng năm 2021 sẽ hiện thực hoá các dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Xin cảm ơn ông!