Thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xinh-ga-po lên tầm cao mới
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Xinh-ga-po diễn ra ngày 17/9/2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương của Việt Nam đồng hành với các nhà đầu tư Xinh-ga-po, để hợp tác phát triển bền vững, hướng đến sự thành công và hiệu quả của hai bên, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xinh-ga-po lên tầm cao mới.
Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po, Liên đoàn sản xuất Xinh-ga-po và Liên đoàn doanh nghiệp Xinh-ga-po tổ chức với sự tham dự của gần 500 doanh nghiệp thuộc hơn 80 Hiệp hội doanh nghiệp và Phòng thương mại của Xinh-ga-po từ các điểm cầu của Xinh-ga-po và khắp nơi trên thế giới. Điều này thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Xinh-ga-po tới Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp toàn cầu đang có xu hướng tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư để tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác và tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới an toàn và hiệu quả hơn.
Hợp tác đầu tư Việt Nam - Xinh-ga-po có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến này đã cho thấy mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Xinh-ga-po tới Việt Nam. Đây là tín hiệu rất vui mừng và là động lực để Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Hội nghị cũng là cơ hội tốt để Việt Nam và Xinh-ga-po cùng nhau chia sẻ về những xu hướng đầu tư mới, giải pháp cải cách môi trường đầu tư, đồng thời đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, hướng đến sự thành công khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn kiên định với những giải pháp chủ động và hiệu quả nhằm đạt mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh an toàn gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế. Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 cơ bản duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức dưới 4%. Xuất nhập khẩu ước đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá khá tốt về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương. Hướng tới năm 2021, Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6,7%. Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký hơn 381 tỷ USD từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Xinh-ga-po là nhà đầu tư lớn thứ ba với hơn 55 tỷ USD vốn đầu tư. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2020, Xinh-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư là 6,54 tỷ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Để tiếp tục phát triển, trong môi trường quốc tế có nhiều biến động, xung đột thương mại, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế số trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư quốc gia và cải thiện chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, một loạt các văn bản pháp luật như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được thông qua với nhiều điểm mới, theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam... Bên cạnh đó, với việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực và các hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư chiến lược trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, thị trường nội địa tiềm năng thu hút các Tập đoàn quốc tế. Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, việc thực hiện đồng thời cả Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.
Việt Nam và Xinh-ga-po có quan hệ đối tác chiến lược với các khuôn khổ hợp tác kinh tế chặt chẽ như Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21, Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam - Xinh-ga-po, các Hiệp định về đầu tư, thương mại trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định CPTTP... đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, môi trường chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Xinh-ga-po đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D, xây dựng và phát triển hạ tầng khu công nghiệp; công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao, tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Sự hợp tác đầu tư Việt Nam - Xinh-ga-po có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau, cùng nhau phát triển, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Việt Nam - điểm đến an toàn, hấp dẫn đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn sản xuất Xinh-ga-po kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Xinh-ga-po Douglas Foo cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Hội nghị vẫn được diễn ra theo hình thức trực tuyến thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng lớn của doanh nghiệp Xinh-ga-po tới môi trường đầu tư của Việt Nam và thể hiện khả năng thích ứng với tình hình để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.
Theo ông Douglas Foo, năm 2020 là năm có nhiều biến động, dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp phải “vật lộn” với nhiều thách thức, do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có tính chống chọi bền bỉ, đặc biệt là các giải pháp để tham gia chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp phát triển. Để tăng cường và làm mạnh mẽ hơn mối quan hệ hợp tác, giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của nhau một cách thuận lợi, hai quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do. Với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với tư cách là thành viên ASEAN và CPTPP, doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều cơ hội để tận dụng các lợi thế song phương, đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI
Đại sứ Việt Nam tại Xinh-ga-po Tào Thị Thanh Hương nhấn mạnh đến mối quan hệ dựa trên nền tảng phát triển bền vững và lâu dài Việt Nam - Xinh-ga-po, trong đó quan hệ kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng. Đồng thời nhấn mạnh, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước ngày càng tăng, nhiều văn kiện quan trọng đã được ký kết. Hai nước có sự tương đồng về văn hóa, cơ cấu kinh tế và tận dụng những tiềm năng trong khung khổ hợp tác song phương, khu vực và đa phương để tăng cường hợp tác đầu tư.
Đại sứ Tào Thị Thanh Hương cho biết, Việt Nam đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, gần đây không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Xinh-ga-po và các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác để tìm ra các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Đặc biệt, mặc dù có những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh nhưng có nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam.
Hiện nay, doanh nghiệp FDI của Xinh-ga-po tại Việt Nam là các doanh nghiệp lớn, tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp của Xinh-ga-po là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hiện vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp này đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Xinh-ga-po tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam - Xinh-ga-po cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy để tăng cường mạnh mẽ hơn hợp tác đầu tư. Theo đó, hai bên cần cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu. Xinh-ga-po có thế mạnh về tài chính, nền kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, còn Việt Nam có thế mạnh về năng lực thị trường, quỹ đất, nguồn nhân lực… Do vậy, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực này, bổ trợ cho nhau, “sáng chế ở Xinh-ga-po, sản xuất ở Việt Nam và cung cấp cho khu vực ASEAN và thế giới”.
Sẵn sàng để đón dòng vốn FDI mới
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh về các vấn đề vì sao doanh nghiệp Xinh-ga-po nên chọn Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình và cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có mặt tại Việt Nam. Việt Nam đã đăng cai, đồng chủ trì nhiều sự kiện và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19; tình hình thu hút FDI 30 năm qua đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng phát biểu. Ảnh: MPI
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, đầu tư của Xinh-ga-po vào Việt Nam ngày càng tăng, trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là thương mại và bất động sản; Xinh-ga-po là đối tác lớn thứ ba về đầu tư (chiếm khoảng 14% tổng vốn FDI tại Việt Nam), đối tác thương mại lớn thứ 12 (kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 7,3 tỷ USD năm 2019).
Việt Nam được lựa chọn là điểm đến đầu tư của nhiều nhà đầu tư với những lợi thế như chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào, dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập quốc tế sâu rộng; chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược. Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, hợp tác để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn; xây dựng khung pháp lý ngày càng thuận lợi hơn với cơ chế thông thoáng, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư; thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài nhằm tập trung tháo gỡ những nút thắt về đầu tư. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng; quy mô vốn lớn; công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Hội nghị đã cung cấp những thông tin mới nhất về môi trường đầu tư, sự sẵn sàng của Việt Nam để đón dòng vốn FDI mới; các chính sách phát triển hệ sinh thái các cụm sản phẩm, ngành nghề, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, ô tô, chế biến thực phẩm…; quá trình chuyển đổi số và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam. Đồng thời chia sẻ một số định hướng hợp tác Việt Nam - Xinh-ga-po theo hướng bền vững hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng đang được định hình lại. Các ý kiến tại Hội nghị đã nhấn mạnh đến vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thành tích đầy ấn tượng trong việc khống chế dịch Covid-19 và khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, điểm đến hấp dẫn đầu tư./.
Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư