Tình hình Đầu tư nước ngoài tháng 1 năm 2015

27/12/2016  
38

Lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa chiếm vị trí thứ hai về thu hút vốn FDI của ngành kinh doanh bất động sản với 30,79 triệu USD.

1. Tình hình hoạt động:

Vốn thực hiện:

Tính đến ngày 20/01/2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 505 triệu USD, tăng 8,6 % so với cùng kỳ năm 2014.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong tháng 1 năm 2015 đạt 8,49 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 66,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong tháng 1 đạt 8,2 tỷ USD tăng 0,9% so với cùng kỳ 2014.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong tháng 1 năm 2015 đạt 7,8 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 57,8% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong tháng 1 năm 2015, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 690 triệu USD.

2. Tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20 tháng 1 năm 2015 cả nước có 44 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 392,18 triệu USD, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đến 20 tháng 01 năm 2014, có 19 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 271,26 triệu USD, tăng 45,8 % so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung trong tháng 1 năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 663,44 triệu USD, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo lĩnh vực đầu tư:

Trong tháng 1 năm 2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 11 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 18 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 605,69 triệu USD, chiếm đến 91,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1. Lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 30,79 triệu USD, chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực Sản xuất phân phối điện, nước với 1 dự án đầu tư mới và 2 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 10,44 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư:

Tháng 1 năm 2015 có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. BritishVirginIslands dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 331,32 triệu USD, chiếm 49,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 110,25 triệu USD, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư; Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 105,5 triệu USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư:

Trong tháng 1 năm 2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 13 tỉnh thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 20 cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 347,2 triệu USD, chiếm 52,3% tổng vốn đầu tư. Bình Dương  đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 100 triệu USD, chiếm 15,1%. Hải Phòng  đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 96,72 triệu USD chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án lớn được cấp phép trong tháng 1 năm 2015 là:

- Dự án Cty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại Tp Hồ Chí Minh với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

- Dự án Cty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 90 triệu USD dự án này do nhà đầu tư Hồng Kông với mục tiêu sản xuất các loại áo lót và quần lót nữ.

- Dự án Cty TNHH Taekwang MTC Việt Nam tại Đồng Nai điều chỉnh tăng vốn  đầu tư 43,2 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu sx thành phẩm, bán thành phẩm giầy thể thao.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

: