TPP, kỳ vọng làn sóng mới đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam

23/12/2016  
34
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, các nội dung chương Đầu tư, một trong số chương quan trọng trong Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nội dung tương tự trong WTO. Đồng thời, khi ký với Mỹ trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2000 có chương về Đầu tư với những nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, và đối xử quốc gia, 2 bên không được phân biệt đối xử với doanh nghiệp bên kia khi đầu tư vào nước khác. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại và tương lai, những nội dung trong chương Đầu tư cũng mở ra những cơ hội, thách thức đối với Việt Nam. Theo phân tích của Chủ tịch VAFIE, đầu tư trong mối quan hệ giữa Việt Nam với một số nước không thay đổi nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, trong khi ảnh hưởng mạnh giữa Việt Nam và các nước như Mỹ, Canada... đặc biệt là Mỹ. "Cho đến bây giờ sau khi có Hiệp định thương mại BTA với Mỹ, thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng gấp hàng chục lần nhưng đầu tư vào Việt Nam tăng lên không đáng bao nhiêu và vẫn ở mức thấp", ông Mại cho hay. Cụ thể, từ năm 2006 bắt đầu có Intel sau đó có 1 số dự án không lớn. Năm 2013 có Microsoft mua lại Nokia và tăng vốn đầu tư tại Bắc Ninh từ 150 triệu USD dự kiến 2015 lên 1,5 tỷ USD là dự án khá nhất. "Mặc dù Chính phủ Mỹ, Đại sứ Mỹ từng tuyên bố Mỹ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam không phải nhà đầu tư số 2 nhưng thời gian qua nhiều đoàn của Mỹ vào đàm phán, nhiều địa phương hợp tác nhưng trên thực tế Mỹ đầu tư chưa nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc cho nên TPP sẽ hi vọng một làn sóng mới đầu tư của Mỹ vào Việt Nam", ông Mại nhấn mạnh. Lý giải nguyên nhân vì sao, vị Chủ tịch VAFIE cho biết, vì TPP giảm thuế suất nhập khẩu giữa 2 bên như vậy với triển vọng thương mại 2 bên tăng trưởng nhanh, mục tiêu của Việt Nam đến 2020 kim ngạch xuất khẩu tăng 300 tỷ USD, các doanh nghiệp Mỹ sẽ nhắm vào sản xuất tại Việt Nam và tái nhập khẩu sang Mỹ. Ông Mại khẳng định rằng, đây là cơ hội lớn nhưng thách thức đối với Việt Nam hiện nay chính là vượt qua chính mình. "Tôi cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay có vượt qua việc thực thi pháp luật và thể chế, phụ thuộc vào bộ máy nhà nước. Trên thực tế thuế hải quan đã cắt giảm thủ tục, giảm thời gian nhưng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và trong nước vẫn kêu ca nhiều về thủ tục rườm rà, tham nhũng, sách nhiễu", ông Mại thông tin. Ông Mại cho biết, ông đồng ý với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quanh Vinh từng cho rằng thách thức lớn nhất đối với Việt Nam không ở bên ngoài mà là vượt qua chính mình, không phải thể chế vì hướng đi đã rất rõ vấn đề còn lại là thực thi thể chế. "Nếu không đạt được những điều kia TPP cũng không được như kỳ vọng về tăng trưởng GDP, tăng xuất nhập khẩu. Nếu không có bộ máy tốt và con người tốt hỗ trợ doanh nghiệp sẽ không có môi trường tốt để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất khẩu ở mức cao", ông Mại kết luận. Nội dung chương Đầu tư theo tóm tắt của Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khi xây dựng các quy định về đầu tư, các thành viên TPP đã đưa ra các nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong khi vẫn bảo đảm khả năng của Chính phủ các thành viên để đạt được các mục tiêu chính sách công hợp pháp. TPP quy định sự bảo hộ đầu tư cơ bản như trong các hiệp định thương mại khác, bao gồm: đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” đối với đầu tư trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế… Các thành viên chấp nhận các nghĩa vụ dựa trên cơ sở “một danh mục chọn bỏ”, nghĩa là thị trường các nước là mở hoàn toàn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trừ khi các Thành viên đưa ra một ngoại lệ. Chương này cũng đưa ra trọng tài quốc tế trung lập và minh bạch đối với các tranh chấp về đầu tư, với cơ chế tự vệ mạnh mẽ nhằm ngăn chặn các khiếu nại lạm dụng và không đáng kể và đảm bảo quyền của các Chính phủ quản lý lợi ích công cộng, bao gồm bảo vệ sức khỏe, an toàn và môi trường.

NGUYỄN THẢO

: