TPP và cái giá Việt Nam phải đánh đổi?

23/12/2016  
38

Tại cuộc toạ đàm " Làm ăn gì năm 2016" do BizLIVE tổ chức ngày 12/12 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá vấn đề hội nhập tạo ra cơ hội, thách thức như thế nào đối với kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam?

Chắc chắn Việt Nam phải trả giá

(GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE)

Theo Chủ tịch VAFIE, thời gian vừa qua Việt Nam đã tuyên truyền về TPP quá nhiều nhưng TPP bao giờ có hiệu lực vẫn là một câu hỏi lớn.

Theo chia sẻ của ông Mại, nhiều người cho rằng Việt Nam đang trở thành công trường thế giới nhưng ông vẫn băn khoăn làm sao để Việt Nam trở thành công trường thế giới với cách sản xuất như hiện nay.

Từ cách tiếp cận của các nhà hoạch định chiến lược quốc gia, cảm nhận của ông cho thấy hình như các nhà hoạch định coi đây là "giai đoạn sắp ổn định, trôi chảy". Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc nhận thức về hội nhập ở các cấp địa phương còn yếu.

"Chúng ta phải đánh đổi bao nhiêu để có TPP, FTA với EU và chắc chắn rồi đây chúng ta sẽ phả trả giá khi giảm thuế về bằng 0%. Dại gì để người nước ngoài vào hưởng lợi là chủ yếu? Chưa có ai hướng dẫn để doanh nghiệp tư nhân hưởng lợi thế nào? Mặc dù tôi đã đề nghị nhưng tới giờ vẫn chưa nơi nào nghiên cứu", ông Mại nhấn mạnh.

Ông cũng dẫn số liệu đầu tư của Hàn Quốc, Đài Loan... vào lĩnh vực dệt may với hơn 2,5 tỷ USD từ đầu năm đến nay và cho biết, điểm tích cực là giảm nhập siêu của Trung Quốc vào Việt Nam mặc dù Trung Quốc cũng có lợi từ điều này nhưng dứt khoát may mặc không để đầu tư nước ngoài hưởng lợi.

Ông Mại cho biết, dứt khoát phải dành phần may mặc cho doanh nghiệp trong nước còn dệt nhuộm một phần đầu tư nước ngoài một phần trong nước để Việt Nam hưởng một phần, Bộ Công Thương cần đưa ra quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề này.

Chủ tịch VAFIE cũng nhấn mạnh, Việt Nam phải trả giá nhiều từ nông nghiệp, thuỷ sản, may mặc, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sẽ có cơ hội lớn nếu giải quyết được bài toán nội lực và nội lực ở đây chính là bài toán các doanh nghiệp trong nước.

Lạc quan trong dè dặt

(TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính)

Trong khi các nước như Mỹ, Nhật, Malaysia vẫn im ắng về vấn đề TPP thì tại Việt Nam, Hiệp định này được tung hô mang tính chất khẩu hiệu, hô hào. Quan điểm của tôi là lạc quan trong sự dè dặt.

Thật sự Việt Nam có hưởng lợi như tăng trưởng GDP, xuất khẩu,… hay không? Hơn thế, thị trường của chúng ta cũng sẽ mở cửa nên thách thức rất lớn.

TS. Hiếu đưa ra dẫn chứng, câu chuyện được quan tâm như vừa qua là câu chuyện đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu giá nhập khẩu từ Mỹ là 21.000 đồng thì giá đùi gà sản xuất ở Việt Nam là 25.000 đồng. Ông cho rằng sự chênh lệch này một phần do vấn đề tỷ giá.

Một khảo sát của tạp chí tại Anh, họ dùng một chiếc bánh kẹp Big Mac để điều tra sức mua tương đương thì giá trị một chiếc ở Mỹ là 4 USD 79 cent. Cái tương tự ở Việt Nam có giá là 60.000 đồng tương đương với 2 USD 6 cent.

“Điều này có nghĩa là đồng tiền Việt Nam được định ở mức khá cao, thậm chí gấp đôi so với giá trị thực. Nếu để đồng Việt Nam thả nổi, tỷ giá có thể lên đến 30.000 VND/USD hoặc hơn. Tất nhiên, lý thuyết về sức mua tương đồng cũng chỉ là một giá trị tham khảo. Nhưng với khảo sát như vậy, sức mua của đồng Việt Nam đang ở mức rất cao”, ông Hiếu cho biết.

Theo đó, ông Hiếu dự đoán, trong tương lai, không chắc chắn rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ TPP. Các sản phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam rất rẻ thì có thể nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị loại ra khỏi thị trường.

Lợi thế lớn nhất là sản phẩm tự sản xuất

(TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương)

Với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do chất lượng, TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, thành công đầu tiên đối với Việt Nam sẽ là sự cải cách về mặt thể chế và công khai, minh bạch về hành vi ứng xử của cơ quan nhà nước rõ ràng hơn. Các doanh nghiệp sẽ có tiếng nói, đối chiếu với các cam kết, có khả năng thưa kiện nếu thực hiện không đúng với cam kết.

“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, lợi thế lớn nhất là các sản phẩm tự sản xuất với lao động giá rẻ, nhất là ngành nông nghiệp, có khả năng sẽ tăng xuất khẩu về hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và sản phẩm nông sản khác”, ông Doanh bình luận.

Dẫn chứng về lợi thế của ngành nông nghiệp, ông Doanh cho biết, chúng ta có hi vọng lớn trong hợp tác với Nhật bản, nhất là hoa tươi và hoa quả tươi tại Lâm Đồng.

Nhật Bản đang muốn tận dụng sân bay Liên Khương để tăng cường hợp tác với Việt Nam, sản xuất các sản phẩm để xuất khẩu sang Cuba cũng như các nước TPP.

“Ngoài ra, Nhật Bản còn quan tâm đến nhiều sản phẩm khác như cá ngừ, vừng đen, tỏi ớt, mè đen. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam”, ông Doanh nhấn mạnh.

Thêm vào đó, với bất động sản, thị trường trong nước đang ấm dần lên, nhất là phân khúc bất động sản cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ở TP.HCM đang tăng trưởng rõ rệt.

Ông Doanh cũng cho biết, lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ là một trong những lĩnh vực có khả năng phát triển nhất, tiếp theo sẽ là khoa học công nghệ phục vụ cho nền nông nghiệp phát triển cao.

TÂM AN

: