TS. Nguyễn Anh Tuấn: 'Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh'

9/7/2021  
255
Nói về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhận định mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Tính chính xác và độ tin cậy sẽ là công cụ để báo chí chiến thắng mạng xã hội. 

TS. Nguyễn Anh Tuấn: 'Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh'

Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức diễn đàn "Hợp tác doanh nghiệp và báo chí trong môi trường biến đổi".

Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ngày 8/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức diễn đàn "Hợp tác doanh nghiệp và báo chí trong môi trường biến đổi". Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay có 70.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Nghĩa là mỗi tháng có khoảng 11.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

"Điều đáng quan tâm hơn cả với con số trên là tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp sẽ gia tăng. Vì vậy cần có những giải pháp thiết thực, mang tính đột phá, "khác thường" từ Chính phủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp không chỉ là những giải pháp hữu hạn từ các gói tài khoá, tín dụng mà còn là những giải pháp mang tính vô hạn từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra", ông Lộc nói.

Ông Lộc đề xuất Quốc hội cần sớm ban hành một luật để sửa nhiều luật để sửa ngay những quy định trên thực tế đã thể hiện rõ sự bất hợp lý khi áp dụng.

Về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong bối cảnh mới, mà cụ thể là dưới một nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch COVID-19, Chủ tịch VCCI cho rằng, đó là mối quan hệ cộng sinh. Thông tin trên báo chí cần được phản ánh khách quan, nhiều chiều, trong đó có cả tiếng nói của doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ tác phẩm báo chí. "Báo chí không nên vô tình, vô tâm khi viết về doanh nghiệp, vì đằng sau đó là người lao động, là sinh kế của hàng triệu hộ gia đình. Báo chí cần là ngọn hải đăng trong biển thông tin, neo giữ niềm tin, định hướng đúng cho dư luận xã hội", ông Lộc phân tích.

Đồng tình với ý kiến của Vũ Tiến Lộc, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, tính chính xác là trách nhiệm, mục tiêu sống còn của cơ quan báo chí. Ông cho biết, hiện nay có tình trạng nhiều cơ quan báo chí chạy đua với mạng xác hội, đưa thông tin thiếu kiểm chứng, sai sót, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp e dè, xa lánh báo chí. Vì vậy, trách nhiệm của báo chí là phải công tâm, khách quan, không vụ lợi, còn trách nhiệm của doanh nghiệp là cung cấp thông tin cho báo chí chính xác.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhận định, nhiệm vụ của báo chí kinh tế là nỗ lực khai thác kiến thức, trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngành kinh tế để chỉ ra đâu là những lĩnh vực sẽ có xu hướng phát triển sau đại dịch, những doanh nghiệp có thể phá sản để đề xuất tới Chính phủ những giải pháp phù hợp hỗ trợ cho từng loại hình doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp định hướng được quá trình tái cấu trúc hậu COVID-19.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: 'Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh'

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiêp.

TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng thừa nhận, thời gian qua có hiện tượng báo chí đưa quá nhiều thông tin tiêu cực khiến doanh nghiệp quay lưng, thậm chí là hoang mang với báo chí. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh.

"Đây không chỉ là câu chuyện giữa báo chí và doanh nghiệp mà còn có sự xuất hiện của nhiều chủ thể khác. Đó là Chính quyền địa phương, khách hàng của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Trước đơn thư khiếu nại của khách hàng với doanh nghiệp, nhà báo có trách nhiệm nhìn nhận nhiều chiều từ cả khó khăn khách quan của doanh nghiệp. Theo tôi đó đã là một sự chia sẻ của cơ quan báo chí với doanh nghiệp, đồng thời là trách nhiệm, lương tâm của nhà báo", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh

TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, hiện báo chí cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như phải chạy đua thông tin trên mạng xã hội. "Trước biển thông tin ngồn ngộn, tính chính xác, độ tin cậy sẽ là công cụ giúp báo chí chiến thắng".

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros phân tích báo chí khác mạng xã hội là khi đã đăng thông tin phải có cái nhìn đa chiều, cần được xác minh, điều tra kỹ lưỡng. Đó là sức mạnh của báo chí.

"Báo chí vừa có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác nhưng cũng vừa hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đăng tải thông tin chính xác", ông Vinh nói.

Để tạo mối quan hệ win-win giữa báo chí và doanh nghiệp, theo ông Vinh cần thiết lập cơ chế với 2 đặc tính. Một là doanh nghiệp tôn trọng tính độc lập và xác tín của báo chí. Không thao túng thông tin ngay cả đó là những thông tin bất lợi cho doanh nghiệp. Điều này giúp xây dựng cho báo chí hình ảnh độc lập, uy tín, khi doanh nghiệp xuất hiện trên mặt báo hình ảnh cũng sẽ có uy tín và thương hiệu.

Hai là, báo chí cũng phải tôn trọng sự thật. "Hãy chậm lại và đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp khi đưa bất cứ thông tin nào lên mặt báo, ngay cả với thông tin tiêu cực", ông Vinh lập luận.

Ông Vinh cho rằng, cơ chế 2 bên cùng thắng không phải là hạn chế vai trò độc lập mà là tạo mối quan hệ để cả 2 bên đều có trọng trách. Doanh nghiêp có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp xác tín. Báo chí giúp để có thông tin đa chiều, chính xác và giữ vị thế độc lập với thông tin.

Nguồn: Nhàđầutư

 

: