Liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế từ ngày 6/4, chiều nay (27/4), sau cuộc họp với các cơ quan chức năng, Bộ Tài nguyên môi trường sẽ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân.
Nhiều đơn vị chức năng đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, không ít giả thiết được đặt ra trong đó, có nghi vấn cho rằng cá chết hàng loạt bắt nguồn từ đường ống xả thải của Công tyFormosa.
Formosa cũng đã cung cấp những thông tin cho biết, hệ thống xử lý nước thải “tiên tiến”, “hiện đại”, nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn… Đồng thời, trong cuộc họp báo tổ chức vào chiều qua (26/4) sau phát ngôn gây sốc của Giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm, lãnh đạo Formosa và cá nhân ông Chu Xuân Phàm cũng đã “cúi đầu xin lỗi” người dân Việt Nam.
Cũng theo thông tin được cung cấp bởi lãnh đạo Formosa, theo quy định, Formosa không phải xin cơ quan chức năng. “Chúng tôi súc rửa rồi đưa về hệ thống xử lý nước thải, xử lý xong rồi mới đưa ra môi trường bên ngoài”, mặc dù vậy Formosa cũng thừa nhận trong hoá chất súc rửa có những chất nguy hại như a-xít.
Trước đó, có một số nghi vấn cho rằng, chất độc hại có thể được Formosa dùng để súc xả đường ống, một cán bộ tại Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) nói: “Không loại trừ khả năng các chất gỉ, sét, dầu mỡ từ đường ống của Formosa xả ra môi trường, thông qua phản ứng hóa học hút hết oxy của nước biển, dẫn đến nước biển không có dưỡng khí và cá chết”.
Trao đổi với BizLIVE, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, hiện tượng cá chết hàng loạt đánh động Việt Nam phải cân nhắc giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
“Ô nhiễm môi trường, không phải chỉ câu chuyện của Formosa, nếu Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài không quan tâm đến môi trường, yêu cầu khắt khe mà xảy ra ô nhiễm môi trường sẽ rất nguy hiểm”, ông Mại nói.
“Điều mình muốn là tăng trưởng xanh sẽ không bao giờ thực hiện được vì vậy điều đáng nói là các tỉnh và thành phố nhân đây cần xem xét lại các dự án không có lợi cho phát triển kinh tế là bao nhiêu nhưng gây ô nhiễm môi trường thì tốt nhất không nên thu hút đầu tư vào, lợi bất cập hại”, ông Mại bổ sung thêm.
Cũng theo Chủ tịch VAFIE, những dự án sắt, thép, lọc dầu dễ gây ô nhiễm môi trường nhất và những dự án như vậy đòi hỏi thẩm định rất chặt chẽ và yêu cầu khắt khe trong đầu tư.
Ông Mại cũng nhấn mạnh, sắp tới có những dự án dệt, nhuộm do Trung Quốc, Đài Loan đang quan tâm cũng là dự án rất ô nhiễm môi trường nên cũng cần chú ý trong việc thẩm định, cho phép.
Quay trở lại nghi vấn mà dư luận đang đặt ra đối với Formosa, ông Mại cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng chưa xác định nguyên nhân cụ thể, chính thức, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng nếu không làm được phải mời chuyên gia nước ngoài.
“Hiện chưa có kết luận chính thức về việc này, dư luận phản ánh đa chiều, có thể phản ánh cả nghi vấn, giải thích từ các bên liên quan. Cách đây hai hôm có ý kiến nói hiện tượng động đất Nhật Bản nhưng sau đó kết quả cho biết là không liên quan”, ông Mại nêu quan điểm.
NGUYỄN THẢO