Trong Báo cáo điểm lại Tháng 8/2021 của World Bank (WB) về "Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai", tổ chức này cho rằng, Việt Nam đang chịu tác động nặng nề hơn của đại dịch COVID-19 và đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2021 giảm còn 4,8%. Cụ thể, WB cho rằng: Trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% nhưng hiện nay đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong nước và lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4. Mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020.
Trong khi tăng trưởng ngành công nghiệp giảm từ 4,9% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 xuống còn 2,2% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7. Các chỉ số tần suất cao, như Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 6/2021 kể từ tháng 5/2020. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 8 do các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, với các tỉnh phía nam, TP.HCM và sau đó là Hà Nội phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ cuối tháng 7 để dập dịch. Về khu vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên nhưng cả cán cân thương mại hàng hóa và cán cân vãng lai đã giảm đi trong nửa đầu năm.
Nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với vai trò ngân hàng trung ương, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi Chính phủ quay về với chính sách tài khóa trung lập hơn trong nửa đầu năm 2021. Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong những tháng gần đây, so với 10 đến 12% trong năm 2020, giúp hỗ trợ vốn tốt hơn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể đem lại rủi ro cao hơn cho khu vực tài chính. Với những nhận định trên, WB dự báo rằng, Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7,0% từ năm 2022 trở đi. Đây là dự báo tích cực nhưng vẫn thấp hơn 0,2% so với dự báo trong kỳ Báo cáo Điểm lại tháng 12/2020, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây. Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. WB đưa ra 3 khuyến cáo với Việt Nam để xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội sắp tới phải đối mặt. Một là xử lý những hệ quả xã hội do đại dịch mang lại.
Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động và các hộ gia đình đã trở nên trầm trọng hơn sau đợt bùng phát dịch tháng 2 và tháng 4. Đại dịch không chỉ làm giảm thu nhập của người lao động mà còn tạo ra bất bình đẳng. Do đó, các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tăng cường các chương trình đảm bảo xã hội, về phạm vi bao phủ, đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ. Thứ 2 là cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. NHNN đã nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, cho phép các ngân hàng gia hạn nợ, tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, do ảnh huonwgr của đại dịch sẽ có những doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt dộng không có khả năng trả nợ.
Vì vậy nợ xấu sẽ tăng lên, những rủi ro từ nền kinh tế thực sẽ chuyển sang ngân hàng. Điều quan trọng hiện nay là cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch. Cùng với đó, đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II. Cuối cùng là cảnh giác với rủi ro tài khóa. Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP rơi vào khoảng 55,3% GDP vào cuối năm 2020. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt bùng phát dịch hiện nay không sớm được kiểm soát hoặc các đợt dịch mới lại nổ ra trong những tháng tiếp theo. Chính phủ có thể phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, vốn còn khiêm tốn đến thời điểm này, trong khi thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng. Đặc biệt rủi ro này liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước, dễ trở thành nợ tiềm tàng. Nguồn: Nhàđầutư