Xây dựng Nghị quyết số 01/NQ-CP theo hướng tinh gọn, trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

30/11/2019  
82

MPI) - Chiều ngày 29/11/2019, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp với một số Bộ, ngành về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự phiên họp.

Xây dựng Nghị quyết số 01/NQ-CP theo hướng tinh gọn, trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Kể từ kế hoạch năm 2018 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới phương thức xây dựng, kết cấu Nghị quyết số 01/NQ-CP hằng năm của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 theo tinh thần ngắn gọn, cô đọng, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành cả năm với kết cấu gồm 2 phần: Phần lời là những nhiệm vụ quan trọng nhất; Phần Phụ lục kèm theo là các chỉ tiêu, nhiệm vụ giao cho các Bộ, ngành, sẽ được sử dụng để theo dõi, tổng kết và đánh giá tình hình thực hiện.

Kế hoạch năm 2019, kế thừa những thành quả đạt được và tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 01/NQ-CP tiếp tục được xây dựng theo hướng tinh gọn, trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm vào nội dung Nghị quyết, rút ngắn danh mục nhiệm vụ cụ thể còn 186 nhiệm vụ cụ thể (so với năm 2018 là 242 nhiệm vụ cụ thể), trong đó, các nhiệm vụ đề ra đều đảm bảo tiêu chí: phải nhằm mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2019; có đầy đủ thông tin về: văn bản giao nhiệm vụ, sản phẩm đầu ra, thời gian thực hiện, cấp trình cụ thể, tạo điều kiện hơn cho công tác theo dõi, tổng kết và đánh giá tình hình thực hiện.

Qua 02 năm triển khai đổi mới, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ là tài liệu quan trọng trong điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cả nước, được các cơ quan, các cấp chính quyền và Nhân dân cả nước đánh giá cao, góp phần giúp Chính phủ điều hành, chỉ đạo hoàn thành toàn diện, đạt và vượt toàn bộ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và năm 2019 được Quốc hội giao.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, tình hình chính trị, xã hội ổn định, niềm tin của Nhân dân được củng cố. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chung sức đồng lòng cùng cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính trung và dài hạn, tạo cơ sở vững chắc cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội khóa XV, tạo tiền thuận lợi để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở phương châm chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP các năm 2018 và 2019 đã được Chính phủ lựa chọn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm chỉ đạo điều hành năm 2020 trước hết gồm 5 cụm từ: "Kỷ cương", "Liêm chính", "Hành động", "Sáng tạo", "Hiệu quả" và kiến nghị 5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thứ nhất, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế; triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021;

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới, cải cách; khơi thông thể chế, nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Thứ ba, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ năm, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp; tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc; chuẩn bị tốt mọi mặt cho Đại hội Đảng các cấp và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội khóa XV.

Ý kiến tại phiên họp, các ý kiến nhất trí cho rằng, Nghị quyết cần tinh gọn, đổi mới, chọn lọc những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể quan trọng của ngành, lĩnh vực và cần “xoáy” vào khâu tổ chức thực hiện, một khâu còn nhiều yếu kém thời gian qua. Có ý kiến đề xuất Nghị quyết cần đưa ra kịch bản tăng trưởng từng quý, cả năm và bảng phụ lục về các chỉ tiêu cần ngắn gọn hơn nữa, với mỗi ngành, chỉ nêu 1-2 chỉ tiêu chủ chốt.

Bên cạnh đó, cần tạo sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo cho các Bộ, ngành trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là ứng phó với những vấn đề mới nảy sinh do bối cảnh, tình hình khu vực và quốc tế còn nhiều diễn biến khó lường. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, làm sao nêu bật được những vấn đề cần thiết của năm 2020, bảo đảm chất lượng cao, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ sắp tới. Về nội dung Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ định hướng, phần lời ngắn gọn, cô đọng, tập trung vào các giải pháp trọng tâm, tạo điểm nhấn trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Nên có phụ lục cụ thể hóa mục tiêu thành hệ thống chỉ tiêu Chính phủ giao để đôn đốc, kiểm tra. Tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, điểm cần nhấn mạnh trong chỉ đạo, điều hành theo từng lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao xác định rõ nội dung chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai Nghị quyết. Gợi ý một số trọng tâm về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn là một khâu vướng mắc và cần chỉ ra cụ thể vướng mắc ở luật, nghị định, thông tư nào.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng rà soát lại vấn đề trên tinh thần thể chế, chính sách phải tạo thuận lợi cho sự phát triển, phân cấp mạnh mẽ, giao quyền chủ động cho ngành, địa phương tốt hơn nữa, hạn chế xin cho, đặc biệt là giải phóng được nguồn lực, giải phóng sức sản xuất. Nếu kìm hãm nguồn lực do ý chí chủ quan của mình thì đất nước không thể phát triển được. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng. Điều đặt ra là các Bộ, ngành tiếp tục xác định rõ tiềm năng ở đâu, dư địa ở lĩnh vực nào còn. Giải pháp cần rõ hơn, có chế tài mạnh, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu, phải có đột phá trong áp dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong năm 2020 ... ./.

: