Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

7/4/2022  
36
"Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định. 
Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao Tạp chí Nhà đầu tư và Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Sáng nay (7/4), Thời báo Tài chính Việt Nam (thuộc Bộ Tài chính) và Tạp chí Nhà đầu tư (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) phối hợp tổ chức Diễn đàn: "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội".
Diễn đàn có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; GSTS-KH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế, Vụ Đầu tư, Cục Quản lý giá, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Công sản, Văn phòng Bộ Tài chính; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cùng đại diện lãnh đạo của gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Diễn đàn được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiểu rõ chính sách tài khoá hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chỉ ra các cơ hội đối với doanh nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu tại diễn đàn về một số vấn đề được quan tâm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho rằng trong phần lớn thời gian đã qua của diễn đàn, qua phần trình bày của đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và phần đối thoại, trao đổi giữa các doanh nghiệp với các đơn vị của Bộ Tài chính, chúng ta cũng đã thấy được khái quát bức tranh về những chính sách, giải pháp mà Bộ Tài chính đã thực hiện để đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 thời gian qua, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động rất lớn đến sự phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, xã hội của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong năm 2021 vừa qua.
 
Ngay khi dịch COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch.
 
Trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ nêu trên là khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng.
 
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn kinh phí mua vaccine phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi (thông qua cắt giảm chi thường xuyên) và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19; cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022.
 
Đồng thời, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập "Quỹ vắc-xin" để huy động thêm nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này. Tính từ khi có dịch covid đến hết quý 1/2022, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 128,5 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong đó ngân sách Trung ương đã chi khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng và các địa phương đã chi khoảng 97 nghìn tỷ đồng.
 
Cùng với đó đã kịp thời xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp khoảng 222,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
 
Theo vị Bộ trưởng, đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị suy giảm (vừa chịu sức ép từ suy giảm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ), trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi NSNN cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN.
 
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
 
"Chúng tôi đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp, chúng tôi xin tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền với lãnh đạo Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời chúng tôi cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước phát triển, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", vị Bộ trưởng nói.
 
Giải đáp một số vấn đề nóng tại diễn đàn, như giá xăng dầu tăng mạnh ảnh hưởng đến hồi phục, phát triển kinh tế, Bộ trưởng Tài chính khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế".
 
Theo ông, Bộ Tài chính luôn có tính toán để làm sao đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và 1 số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.
 
"Vấn đề Bộ Tài chính đặt ra là làm sao phát triển của doanh nghiệp, ngay cả khi thực hiện gói kích cầu. Khi kéo dài gói kích cầu từ 2022 - kết thúc 2023, đòi hỏi các công tình cơ bản, đầu tư công phải được thực hiện nhanh trước bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên, cung ứng vật tư kịp thời, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hàng tháng để DN đỡ thiệt thòi, thu hồi nhanh, thực hiện dự án nhanh", ông Hồ Đức Phớc nói.
 
Về ý kiến về hoàn thuế cho ngành điện, tôi cũng trăn trở, khi ban hành Nghị định phải lấy ý kiến 1 số bộ ngành khi đưa vào yêu cầu giấy phép sử dụng điện. Tuy nhiên, công trình hoàn thành mới có giấy phép này còn dở dàng thì không có nên sẽ không nằm trong đối tượng được hoàn. Nhưng để thay đổi lại vướng luật, nên Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đưa vào họp Chính phủ để có nghị quyết riêng nhằm tháo nút thắt này. Và Bộ Tài chính đang tích cực làm vấn đề này.
 
Doanh nghiệp cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính. Với chưc năng, quyền hạn, phạm vi công tác chúng tôi sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp. Bộ Tài chính mong có vướng mắc doanh nghiệp phản ánh kịp thời qua các hiệp hội DN, hiệp hội nhà đầu tư để đưa tới cơ quan quản lý. Bộ Tài chinh sẽ mỗi quý giao ban với lãnh đạo tỉnh 1 lần bằng hình thức trực tuyến để tháo gỡ vướng măc, khó khăn thuộc quản lý, quyền hạn của Bộ Tài chính.
 
Đối thoại về những vấn đề quan tâm, đưa chính sách đi vào cuộc sống
Trước đó, phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết trước diễn biến phức tạp và những ảnh hưởng chưa từng có bởi đại dịch COVID-19, nhất là sau làn sóng dịch lần thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội. Toàn bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân của nước ta đạt 6,5-7%/năm; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
 
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ của chính sách tài khóa và tiền tệ. Ngay khi ban hành, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao những nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách đưa ra với nguồn lực đủ lớn và thời gian triển khai đủ dài, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả rõ nét cả trong trước mắt cũng như lâu dài, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế -xã hội của đất nước.
 
Đến thời điểm này, một số chính sách, như việc miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống được dư luận đánh giá cao. Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một loạt các chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Từ những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
 
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; GSTS-KH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các đại biểu. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn, đó là: Kinh tế thế giới và trong nước chưa hồi phục, rủi ro lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao... Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tất cả các rủi ro đó đều phải được tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp.
 
"Xuất phát từ thực tế nói trên và để đáp ứng nhu cầu của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài nước mong muốn tiếp cận thông tin đầy đủ, toàn diện về những nội dung của các gói hỗ trợ, cũng như những nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thời báo Tài chính Việt Nam và Tạp chí Nhà đầu tư đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp tổ chức Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", TS. Phạm Thu Phong nhấn mạnh.
 
Theo TS. Phong, trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tích cực đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thời gian qua Bộ Tài chính là cơ quan luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
 
"Tại điễn đàn đối thoại hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, chia sẻ các thông tin mới nhất về các chính sách tài khóa thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề quan tâm nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống, góp phần đóng góp tích cực, hiệu quả vào Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nói.
 
Giải pháp của Chính phủ với nguồn lực đủ lớn để hồi phục kinh tế
Giới thiệu tổng quan về gói hỗ trợ của Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề doanh nghiệp/nhà đầu tư quan tâm, TS. Nguyễn Anh Tuấn Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cho hay như đã biết, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư giới thiệu tổng quan về gói hỗ trợ của Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề doanh nghiệp/nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tại Nghị quyết này Quốc hội đã quyết định chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
Về chính sách tài khoá, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cho kỳ tính thuế 2022; Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động; Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.
 
Đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rất rõ mục tiêu  của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
 
Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Nghị quyết 11 đã đưa ra một số giải pháp rất quan trọng sau đây: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
 
Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết 13 ngày 31/12/2021 của UBTVQH. Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp. Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Nghị đinh số 101 ngày 15/11/2021.
 
Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103 ngày 26/11/2021. Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hôi, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
 
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân. Nghị quyết cũng đã xác định gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023.
Trong đó, giảm thuế, phí, lệ phí tối đa 64 nghìn tỷ đồng; chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, bổ sung tối đa 114,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu...
 
Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất khoảng 135 nghìn tỷ đồng; sử dụng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiều phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng; sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, thiết bị, vật tư, y tế; sử dụng 5 nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng viễn thông, internet; sử dụng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm mầm sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.
 
Tại nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội; quy định về giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
 
"Có thể thấy, các chính sách, giải pháp của Chính phủ là khá đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Ngay từ khi ban hành Nghị quyết 11 của Chính phủ đã được dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng rằng với việc thực hiện thành công chương trình này, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,5-7% như Nghị quyết đã đề ra", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
 
Nhiều vấn đề cần được giải đáp
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, tại Nghị quyết số 11, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội, cũng như quy định về giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuế đất theo nội dung tại điều 3 mục II của Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
 
Vậy các văn bản này đã được chuẩn bị như thế nào? Bao giờ sẽ được ban hành? Và khi các văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành thì chính sách miễn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp các khoản thuế sẽ được thực hiện như thế nào?
 
Trong chính sách hỗ trợ có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn khá lúng túng trong áp dụng thuế suất thuế GTGT là 8% hay 10%. Xin đề nghị cho biết là từ thời điểm nào tới thời điểm nào thì áp dụng mức 8%, thời điểm nào áp dụng 10%? Và làm sao doanh nghiệp biết mình có thuộc đối tượng được giảm thuế?
 
Hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp rất nhiều khó khăn, điều này không đến từ thu xếp vốn mà là từ cơ chế, chính sách. Vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính có những giải pháp gì với các dự án hạ tầng lớn để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tạo hiệu ứng lan toả ra toàn nền kinh tế?
 
Một trong những vấn đề đang được đặt ra đối với nhiều quốc gia, trong đó có nước ta là giá dầu tăng cao và rủi ro lạm phát. Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm kiềm chế giá dầu nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Xin cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này?
 
PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA 
Điều phối phiên đối thoại: TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Tạp chí Nhà đầu tư và TS. Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập TBTCVN.
Diễn giả chính: Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Tổng cục Hải quan; bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành KPMG Việt Nam; ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam.
 
Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Toàn cảnh phiên đối thoại tại diễn đàn. Ảnh: Trọng Hiếu.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất là một bộ phận quan trọng trong chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo các Nghị định quy định về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Để mở đầu phiên đối thoại chương trình sẽ nghe phát biểu của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thuế về nội dung này.
Gia hạn nộp thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính phân công chủ trì, xây dựng chính sách gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất. Thực hiện phân công nêu trên của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
 
Ông Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Ảnh: Trọng Hiếu.

Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ các đối tượng giống như quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/04/2021 của Chính phủ.
 
Cụ thể, có 5 nhóm đối tượng được gia hạn: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế; doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế; doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) hiện đang dự kiến đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế của các tháng 6, 7, 8, 9 được gia hạn tới chậm nhất là ngày 20/11/2022.
 
Đối với 2 dự thảo Nghị định nêu trên, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đồng thời, ngày 28/3/2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo 02 Nghị định nói trên.
 
Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang hoàn thiện dự thảo Nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4/2022.
 
Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.
 
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ngoài chính sách thuế, một trong những giải pháp quan trọng được đề ra tại Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế là cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Để hiểu rõ hơn về việc triển khai công tác này trong lĩnh vực hải quan, chúng ta sẽ nghe phát biểu của đại diện lãnh đạo Tổng cục hải quan về "Cải cách, hiện đại hoá hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp". Xin mời ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan.
Đồng hành cùng doanh nghiệp cải cách thủ tục thông quan
Ông Hoàng Việt Cường: Trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là từ năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, đặc biệt là kinh tế - xã hội.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính, Chính phủ, UBTV Quốc hội), đồng thời ban hành, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.
 

 

: