Quy hoạch vùng không có dự án thép ở Ninh Thuận

24/12/2016  
30

Theo Quyết định số 3447/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 22/8, Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, xác định tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng trong GDP toàn Vùng năm 2020 chiếm khoảng 40 - 41%; năm 2025 chiếm khoảng 41 - 42% và năm 2035 chiếm khoảng 36 - 37%.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 16 - 17%/năm giai đoạn 2016 - 2020; 17 - 18% giai đoạn 2021 - 2025 và 15 - 16% giai đoạn 2025 -2035.

Đáng lưu ý, tại danh mục chương trình, dự án đầu tư chủ yếu đính kèm quyết định này, đối với các dự án ngành luyện kim được kể đến như: nhà máy phôi thép, luyện thép tại Nghi Sơn – Thanh Hoá; nhà máy sắt xốp, luyện gang tại Nghệ An; liên hợp luyện kim tại Nhơn Hội – Bình Định; nhà máy luyện cán thép tại Đà Nẵng.

Như vậy, dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD, tương đương hơn 230.000 tỷ đồng, công suất 16 triệu tấn/năm không có tên trong danh mục chương trình, dự án đầu tư chủ yếu tại bản Quy hoạch này.

Tuy nhiên, theo quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Theo lý giải của lãnh đạo thuộc Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), việc đầu tư xây dựng các nhà máy thép sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quy hoạch phát triển ngành. Việc quy hoạch vùng được phê duyệt ngày 22/8 không có Ninh Thuận có thể còn do quy hoạch được trình ký trước thời điểm có dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Bình luận về vấn đề này, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch đầu tư) cho biết, trong công tác quy hoạch tới đây, dự thảo Luật Quy hoạch cần đưa ra những nội dung khắc phục những tồn tại, việc phê duyệt, điều chỉnh không chặt chẽ thể hiện tinh thần xin-cho trong công tác quy hoạch.

“Có chuyên gia đề cập đến vấn đề có xin cho hay không trong dự án này, cần thận trọng khi đánh giá nhưng cũng đề phòng việc xin – cho trong quy hoạch dự án”, ông Hồ cho hay.

Liên quan đến siêu dự án thép Hoa Sen Cà Ná Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư lên đến 230.000 tỷ đồng, công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm hiện có nhiều thông tin trái chiều ủng hộ và phản đối việc triển khai dự án.

Đặt vấn đề giả sử dự án triển khai theo đúng cam kết Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nêu ra liên quan đến vấn đề môi trường trước lo ngại sau thảm hoạ môi trường dự án thép Formosa gây ra, tuy nhiên, nếu sản xuất thép tại Việt Nam trong bối cảnh thép Trung Quốc dư thừa lượng lớn, Việt Nam phải áp dụng chính sách bảo hộ ngành thép, có đáng để đầu tư một siêu dự án như vậy?

Ông Hồ cho rằng, điều kiện hiện nay, nhìn từ dự án Formosa, cần tính đến các vấn đề tương tự, không thể ưu đãi quá đặc biệt, phải theo luật, theo các cam kết quốc tế và dự báo bối cảnh sắp tới, không thể chỉ nhìn trước mắt, cần tính lâu dài.

Tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra hôm 6/9, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen từng dẫn chứng trường hợp Tập đoàn Hoà Phát lãi 2.000 tỷ đồng từ thép và cho biết “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”.

Về công nghệ, ông Vũ nói: “Cho nên giờ chúng ta có ký của châu Âu hay Mỹ thì cũng từ Trung Quốc mà ra, đến 90% là như thế! Còn nếu bắt tôi ký mua công nghệ 100% châu Âu thì giá thành cao ngất ngưởng không làm nổi. Tôi sẽ đủ khôn ngoan để chọn lựa làm cái gì để đạt hiệu quả cao nhất, đạt cạnh tranh tốt nhất”.

NGUYỄN THẢO

: