Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài đến 15 tháng 12 năm 2014

27/12/2016  
9

1. Tình hình hoạt động:

Vốn thực hiện:

Tính đến ngày 15/12/2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 12,35 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2013 và tăng 2,9% so với kế hoạch năm 2014.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 12 tháng năm 2014 đạt 101,59  tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 12 tháng đạt 94,41 tỷ USD tăng 16,7% so với cùng kỳ 2013.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính đến tháng 12 năm 2014 đạt 84,56 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 12 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,03 tỷ USD.

2. Tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 15/12/2014 cả nước có 1.588 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 15,64 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Đến 15/12/2014, có 594 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,58 tỷ USD, bằng 62,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 12 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20,23 tỷ USD, bằng 93,5% so với cùng kỳ 2013 và tăng 19% so với kế hoạch 2014 (17 tỷ USD).

Theo lĩnh vực đầu tư:

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 774 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14,49 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2014. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đăng ký.

Theo đối tác đầu tư:

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 7,32 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 3 tỷ USD, chiếm 14,8 % tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 2,79 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 2,05 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo địa phương

Trong 12 tháng năm 2014 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là Thái Nguyên với 3,35 tỷ USD vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 3,1 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư của cả nước. Đồng Nai đứng thứ 3 với 1,83 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm. Tiếp theo là các tỉnh/thành phố như Bắc Ninh, Bình Dương, Khánh Hòa với quy mô vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,58 tỷ USD; 1,46 tỷ USD và 1,25 tỷ USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 12 tháng năm 2014:

- Dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung  Thái Nguyên - giai đoạn 2 nhà đầu tư  Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam  Thái Nguyên – Hàn Quốc, dự  án đầu tư tại KCN Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd - Singapore đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH Dewan International do nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư tại Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,25 tỷ USD;

            - Dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD;

: