“TPP đang được tung hô và mang tính khẩu hiệu”

24/12/2016  
19
Tại cuộc tọa đàm BizTALK: “Làm ăn gì năm 2016?" do BizLIVE tổ chức ngày 12/12 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá, nói về những thành công trong việc ký kết nhiều hiệp định thương mại thời gian qua, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng thành công đầu tiên đối với Việt Nam sẽ là sự cải cách về mặt thể chế và công khai, minh bạch về hành vi ứng xử của cơ quan nhà nước rõ ràng hơn. Các doanh nghiệp sẽ có tiếng nói, đối chiếu với các cam kết, có khả năng thưa kiện nếu thực hiện không đúng với cam kết.  
“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, lợi thế lớn nhất là các sản phẩm tự sản xuất với lao động giá rẻ, nhất là ngành nông nghiệp, có khả năng sẽ tăng xuất khẩu về hàng dệt may, da giầy, đồ gỗ và sản phẩm nông sản khác”, ông Doanh bình luận.
 
Chia sẻ một góc nhìn có phần dè dặt hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các hiệp định mới ký kết, cụ thể là TPP, không chỉ toàn "màu hồng" như lâu nay vẫn được tung hô.
 
"Quan điểm của tôi là lạc quan trong dè dặt. Sự dè dặt của tôi là hiệp định thương mại và nhất là TPP được tung hô và mang tính cách khẩu hiệu hô hào. Trong khi tôi theo dõi các nước khác như Mỹ, Nhật, Malaysia vẫn im ắng về vấn đề TPP”, ông Hiếu nói.
 
Tại Mỹ, TPP mang đến nhiều bất lợi như nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa, các doanh nghiệp tìm các nước có lao động giá rẻ để giảm chi phí.
 
“Trong năm tranh cử này thì chắc chắn không có Đảng nào đưa TPP ra trước Quốc hội Mỹ. Phải khi nào Mỹ có Tổng thống mới thì vấn đề TPP mới được đưa ra trước Quốc hội, hay phải sớm nhất đến 2018 chúng ta mới có TPP. Vậy nên đừng xem ta đã đến ngưỡng cửa TPP”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
 
Cũng theo ông Hiếu, đồng tiền Việt Nam được định ở mức khá cao, thậm chí gấp đôi so với giá trị thực. Nếu để đồng Việt Nam thả nổi, tỷ giá có thể lên cao hơn.
 
Theo đó, ông Hiếu dự đoán, trong tương lai, không chắc chắn rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ TPP. Các sản phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam rất rẻ thì có thể nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị loại ra khỏi thị trường.
 
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, không có một quốc gia nào có sản phẩm cạnh tranh tốt hơn so với tất cả các quốc gia khác. Thị trường Việt Nam rất đa dạng, đùi gà Mỹ sẽ chỉ thâm nhập vào một phân khúc thị trường, nên sẽ không lo ngại về sự xâm nhập của các sản phẩm thức ăn nhanh phương Tây.
 
Ông Tuấn dẫn chứng như cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam như hàng dệt may đã lớn hơn trước. Ví dụ như giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã gần đạt ngưỡng 40 tỷ USD, so với giá trị khiêm tốn 1-2 tỷ USD trước đây.
 
Về phần mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng đây là câu hỏi rất khó để trả lời.
 
“Hàng hóa của Việt Nam tuy tốt nhưng vẫn chưa tạo được thương hiệu. Về dệt may, chúng ta vẫn dùng nguyên liệu từ Trung Quốc, chúng ta sẽ khó xuất khẩu sang nước như Mỹ hay EU. Về lâu về dài, Việt Nam có khả năng xâm nhập thị trường khác nhưng nhìn ngắn hạn vẫn còn nhiều khó khăn với hàng hóa Việt”, ông Hiếu nói.

TRẦN THÚY

: