Triển vọng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023

19/12/2022  
77

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo có triển vọng tích cực trong năm 2023 sau khi ghi dấu sự ổn định vào cuối năm 2022, với nhiều chỉ số vĩ mô tươi sáng trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, bất định.

Ổn định vào cuối năm 2022 Thị trường tài chính Việt Nam chuyển biến tích cực trong vài tuần cuối cùng của năm 2022, căng thẳng tỷ giá được giải quyết gần như dứt điểm, lạm phát tiếp tục ở mức thấp. Thị trường trái phiếu lùi bước để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn sẽ giúp Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức. Trong hơn hai tuần cuối tháng 11, đầu tháng 12, tỷ giá USD/VND giảm rất nhanh. Đồng USD giảm gần 4,8% so với mức đỉnh ghi nhận hôm 25/10, từ mức 24.888 đồng/USD (Vietcombank) xuống còn 23.700 đồng/USD hôm 15/12. “Tình hình đảo ngược nhanh chóng. Tỷ giá không còn căng thẳng. Đến giai đoạn này việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cũng không còn khiến thị trường quá lo ngại”, một chuyên gia tài chính chia sẻ. Khi đồng VND mạnh lên, dòng vốn quốc tế sẽ đảo ngược mạnh mẽ, chảy mạnh hơn vào Việt Nam.
Triển vọng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank giảm mạnh từ 25/10. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Sáng 16/12, lần đầu tiên trong 3 tháng rưỡi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã niêm yết trở lại giá chào mua USD ở 23.450 đồng/USD, sau khi ngừng công bố giá mua tại hội sở NHNN từ cuối tháng 8/2022. Tín hiệu rõ ràng rằng, NHNN sẽ mua vào đồng USD (sau khi đã bán USD ra để ổn định tỷ giá trong thời gian trước đó). Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể được cải thiện trong năm 2023, từ mức 89 tỷ USD hiện tại lên 102 tỷ USD vào cuối năm. NHNN đã bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong tháng 10/2022. Trong năm 2023, bà Hiền kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12,0 tỷ USD (cao hơn so với mức dự kiến 10,4 tỷ USD trong năm 2022). Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát tại Việt Nam có xu hướng tăng nhưng vẫn ở mức khá thấp. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Lạm phát tính đến tháng 11/2022. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Với tình hình vĩ mô ổn định như hiện tại, hôm 5/12, NHNN đã nâng chỉ tiêu tín dụng lên thêm 1,5-2%, qua đó sẵn sàng bơm thêm khoảng 240 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế. Số tiền này góp phần giải quyết vấn đề thanh khoản, giúp các doanh nghiệp thêm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023. Với nhiều chuyên gia, việc đồng USD giảm mạnh và NHNN mua USD là một tín hiệu tốt. Điều đó cho thấy Việt Nam đang quay trở về với thời kỳ "bơm tiền" ra để đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế.

Bà Thái Thị Việt Trinh - chuyên viên phân tích vĩ mô đến từ SSI Research, cho rằng, việc NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là nhằm cung cấp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp đang cấp thiết vào cao điểm cuối năm. Trong đó, dòng vốn được kỳ vọng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Động thái này cho thấy chính sách linh hoạt của NHNN để giải quyết vấn đề thanh khoản ngay khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và lạm phát được kiểm soát, sau những sự kiện gây xáo trộn các cân đối vĩ mô trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, việc nới tín dụng ngay đầu tháng cũng sẽ giúp NHTM và các DN chủ động chuẩn bị hồ sơ và nguồn vốn sớm hơn để giải ngân, tránh bị lặp lại tình trạng như cuối năm 2021 (và là một trong những lý do khiến tín dụng tăng mạnh ngay trong tháng 1/2022).

Triển vọng kinh tế 2023 tích cực Hôm 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%. Trong năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu. Đây là mức cao hơn dự báo của tổ chức này đưa ra hồi tháng 4/2022.

Triển vọng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Một số tổ chức vẫn dự báo GDP Việt Nam tăng khá cao trong năm 2023. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định rằng, châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi. Đại diện ADB cho rằng, thách thức đối với Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng. Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất cũng tích cực đối với Việt Nam. WB cũng thừa nhận, đồng USD yếu đi giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá.

Trước đó, bà Pemba Tshering Sherpa, phụ trách truyền thông IMF, cho rằng, năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức, nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm vẫn đạt khoảng 5,8%. Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7%. Kịch bản 2, con số chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Thị trường chứng khoán được dự báo khá tích cực.

Theo ACBS, triển vọng toàn cầu sẽ tích cực hơn trong năm 2023, đặc biệt nửa sau của năm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ để tiến lên 1.550 điểm vào cuối năm 2023. Bà Trần Thị Khánh Hiền cũng cho rằng, nửa đầu 2023 TTCK có thể còn nhiều thăng trầm nhưng cuối năm sẽ tích cực. Theo đó, đầu năm, lạm phát có thể lên do áp lực từ giá điện, vận tải, học phí... Dù vậy, đây đều là các yếu tố có thể kiểm soát được.

Một số mục tiêu kinh tế năm 2023 Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chính được xác định: GDP tăng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. CPI tăng bình quân khoảng 4,5%.
(Theo VietNamNet)
 
: