Từ vụ Formosa: “Hạn chế hoặc chấm dứt dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”

1/7/2016  
16

BizLIVE - “Chính phủ nhân đây nên chấm dứt hoặc hạn chế một số dự án chúng ta đã có thừa và gây ô nhiễm như lọc khí, hoá dầu, thép, dệt may, xi măng…”, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết.

Từ vụ Formosa: “Hạn chế hoặc chấm dứt dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE. Ảnh: BizLIVE

Tại cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề diễn ra chiều 30/6 thông tin, đã xác định nguồn gốc từ xả thải khu vực Vũng Áng tại Hà Tĩnh có chứa độc tố làm hải sản chết hàng loạt, nhất là tầng đáy biển. Qua quá trình kiểm tra, phát hiện ra Formosa có một số hành vi vi phạm, sự sai sót của công ty này đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng. BizLIVE có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) về các nội dung thông tin tại họp báo. Xin ông cho biết bình luận về thông tin nguyên nhân cá chết hàng loạt do Formosa? Đây là thảm hoạ môi trường đầu tiên rất lớn tại Việt Nam kéo dài 4 tỉnh ven biển miền Trung, ảnh hưởng đến môi trường, thuỷ hải sản, du lịch gây tâm lý bất ổn cho ngư dân địa phương. Chính phủ đã vào cuộc rất kịp thời và đã có giải pháp xử lý khách quan và khoa học với một sự kiện mới và phức tạp như vậy trong bối cảnh dư luận, cộng đồng rất sốt ruột muốn vạch ra một doanh nghiệp có trách nhiệm. Chính phủ đã làm việc bài bản, thành lập những tổ nghiên cứu, điều tra với những chuyên gia có uy tín hàng đầu Việt Nam cộng thêm những nhà khoa học được mời của một số nước và có thêm các công nghệ quan trắc để đánh giá. Do đó, cho đến nay đã tìm được những nguyên nhân theo phương pháp loại trừ, xác định được doanh nghiệp có tránh nhiệm là Formosa. Mặc dù, đến giờ đã 3 tháng nhưng cách làm này của Chính phủ theo tôi đánh giá rất cao vì rất khoa học và khách quan. Đây là sự việc không thể vội vàng được. Nhưng, từ đó cũng thấy rằng cần rút ra một số kinh nghiệm. Thứ nhất, đây là sự kiện không chỉ Formosa mà nhiều doanh nghiệp như tại Hoà Bình làm cá chết trên sông thuộc Thanh Hoá và vừa qua cũng phải đền bù. Nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài nước không làm tốt việc bảo vệ môi trường nên Chính phủ cần nhân dịp này rà soát lại các dự án có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường để không gây hiện tượng tương tự như tại Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung. Thứ 2, mặc dù Formosa cho biết đã đầu tư khoảng 45 triệu USD làm dự án đường ống thải nước nhưng do chúng ta không có dự án đầu tư đồng bộ với Formosa nên không thể quan trắc được các dự án. Hiện tượng kéo dài hàng năm nay nên Chính phủ cần đầu tư, đồng thời các địa phương cần đầu tư vốn cần thiết để quan trắc ở các dự án lớn hoặc các khu công nghiệp không thể nào chỉ dựa vào các dự án xử lý nước thải hay xử lý chất thải rắn của doanh nghiệp. Dự án quan trắc phải được điều hành bằng cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực và được đào tạo bài bản không chỉ là cán bộ môi trường nói chung và đây là điểm rất yếu và rất thiếu của chúng ta, chưa có khả năng đánh giá, tìm ra giải pháp thích hợp. Formosa cam kết công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD, thưa ông? Việc Formosa nhận trách nhiệm và đền bù như vậy, tôi không bình luận về số tiền này vì chắc chắn đã có sự thương lượng đại diện Chính phủ Việt Nam và Formosa, tôi hoan nghênh thái độ cầu thị và nhận trách nhiệm, đền bù thiệt hại.

Từ vụ Formosa: “Hạn chế hoặc chấm dứt dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” Lãnh đạo Formosa xin lỗi người dân Việt Nam, bồi thường phục hồi môi trường biển 500 triệu USD. Ảnh chụp từ clip 

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng Formosa và Chính phủ cũng cần buộc Formosa cùng dựng ra hội đồng chuyên gia về công nghiệp và môi trường, nghe đại diện Formosa trình bày quá trình sản xuất sắp tới vì sự cố này xảy ra khi nhà máy mới là xây dựng, chưa đi vào vận hành. Trước đó, ngày 25/6 dự định vận hành nhà máy sau đó đã hoãn vì sự kiện này. Chính phủ cũng cần thành lập Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia đầu ngành về công nghệ lò cao, sản xuất thép, than cốc, các phụ liệu và công nghệ môi trường để làm tư vấn cho UBND Hà Tĩnh, nghe Formosa nói về quy trình sản xuất và đưa ra nhận định, yêu cầu Formosa nếu cần thiết phải điều chỉnh để bảo đảm khi sản xuất không để xảy ra trường hợp tương tự. Từ sự cố này, Chính phủ cần làm gì đối với các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thưa ông? Chính phủ nhân đây nên chấm dứt hoặc hạn chế một số dự án chúng ta đã có thừa và gây ô nhiễm như lọc khí, hoá dầu. Không nên cấp phép cho nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tránh gây thiệt hại chung, gây thảm hoạ môi trường. Ngoài ra, các dự án sắt thép nên chấm dứt vì công nghệ nhiệt điện lò cao, nhiều nước khốn khổ vì thừa sản xuất thép, nếu có cũng cần áp dụng phương pháp sản xuất hiện đại. Cũng nên xem xét tốt nhất không cấp phép thêm các dự án xi măng. Hiện xi măng đủ đảm bảo nhu cầu Việt Nam đến 2025-2030, thử tưởng tượng một năm chúng ta có 70 triệu tấn xi măng/năm nghĩa là sử dụng 100 triệu tấn đá vôi, làm mất đi bao nhiêu núi đá vôi. Nếu kéo dài thêm 20-30 năm tình trạng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường? Đề nghị Chính phủ quan tâm dự án như vậy và một số dự án khác như dệt và nhuộm. Không thể không cho đầu tư nhưng cương quyết không để lặp lại các thảm hoạ môi trường như vậy. Có thể cho một số dự án cần thiết nhưng bắt buộc đưa ra định mức bao nhiêu đầu tư xử lý môi trường. Đây là điều rất quan trọng nhân dịp này. Xin cảm ơn ông! NGUYỄN THẢO    
: